Một chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng là kinh doanh vàng không phải lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Nó là hoạt động đầu cơ, nên nếu để tiền hút vào sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội như trước đây.


Có nên xây dựng thị trường vàng?

Đây là vấn đề được Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội gợi ý giải pháp nhằm quản lý vàng ở Việt Nam.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, thành viên Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, việc xây dựng một thị trường vàng hiện đại là một nhu cầu cần thiết ở Việt Nam nhằm huy động số vàng lên tới 300-500 tấn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế và nhằm tránh để các hoạt động trên thị trường vàng ảnh hưởng đến tỷ giá.

“Chúng tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề thị trường vàng Việt Nam nằm ở việc, làm sao để tách hoạt động kinh doanh vàng vật chất ra khỏi hoạt động đầu cơ giá vàng”, người phụ trách nội dung báo cáo bất ổn thị trường tài chính viết.

Hiện tại phần lớn người dân Việt Nam mua vàng là để đầu cơ giá vàng. Tuy nhiên, do không được kinh doanh vàng tài khoản cũng như chưa có chứng chỉ vàng, nên việc đầu cơ giá vàng của người dân buộc phải thực hiện thông qua việc trao đổi lượng vàng vật chất tương ứng với các cửa hàng trung gian. Quá trình trao đổi vàng vật chất qua lại này không những làm tăng chi phí giao dịch cho những người đầu cơ, mà còn khiến cho hoạt động đầu cơ vàng gắn với dòng dịch chuyển ngoại tệ, khi có dòng vàng vật chất chuyển dịch vào và ra khỏi biên giới Việt Nam.

Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ giá vàng khỏi dòng chảy của vàng vật chất, NHNN nên nhanh chóng phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia. Chứng chỉ vàng cần được đảm bảo 100% bằng vàng vật chất trong các kho vàng quốc gia. Mỗi chứng chỉ vàng sẽ có một mã số tương ứng với một mã số của lượng vàng thật trong kho. Khi NHNN nhập một lượng vàng vào kho thì đồng thời nó sẽ phát hành một chứng chỉ vàng tương ứng. Và ngược lại, mỗi khi NHNN xuất một lượng vàng vật chất khỏi kho thì sẽ thu lại một chứng chỉ tương ứng.

Kèm theo đó là cần có một đạo luật để đảm bảo rằng NHNN sẽ phát hành số lượng chứng chỉ vàng chính xác bằng số vàng thực sự có trong kho. Với việc phát hành chứng chỉ vàng như trên thì hoạt động xuất nhập khẩu vàng sẽ đơn thuần gắn với nhu cầu vàng vật chất như chế tác vàng trang sức hoặc làm nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Các trao đổi vàng mang tính đầu cơ giữa những người dân với nhau về cơ bản sẽ được tách khỏi quá trình trao đổi vàng vật chất. Sàn vàng quốc gia góp phần làm giảm tải khối lượng hoạt động đầu cơ thông qua chứng chỉ vàng.


Không khuyến khích sàn giao dịch vàng

Tuy nhiên, giải pháp thành lập sàn vàng quốc gia là không phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Bởi theo một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành Ngân hàng, sàn vàng bản chất là Sở giao dịch hàng hoá vàng. Do đó muốn lập sàn vàng thì chúng ta phải sản xuất ra được vàng như các nước trên thế giới có sàn vàng. Trong khi ở Việt Nam, sản xuất vàng không đáng kể. Hiện vàng mua bán trong nước chủ yếu từ nhập khẩu, lập ra sở giao dịch mua bán loại hàng hóa bản thân không có, không chủ động được về nguồn là có vấn đề.

Hơn nữa, để sàn vàng phát triển, hoạt động đúng nghĩa đòi hỏi phải có hệ thống các tổ chức, ngân hàng, TCTD là nhà tạo lập và dẫn dắt thị trường. Điều này đòi hỏi nhà tạo lập và dẫn dắt thị trường phải có trong tay lượng vàng rất lớn. Nhìn lại ở Việt Nam, về cơ bản các TCTD được xem là tổ chức có tiềm lực tài chính cũng không có đủ khả năng. Kể cả sau này Nhà nước cho phép thành lập sàn vàng quốc gia cũng giống thế, họ chỉ là người trung chuyển - người nhận lệnh khách hàng rồi “đánh” ra nước ngoài. Như vậy, đây sẽ là kênh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chứ không còn là sàn vàng đúng nghĩa.

Từ nhận định như vậy, vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề quan tâm hiện nay không chỉ là thuần túy sàn vàng mà là biến động của giá vàng. Nếu lập ra sàn vàng chỉ để phục vụ thuần túy nhu cầu đầu cơ thì suy cho cùng giống như sòng bạc vì nhà đầu tư đặt cược giá vàng lên xuống để kiếm lời.

Trong khi hiện nay nguồn tiền hạn chế, nếu lập sàn vàng thì sẽ khuyến khích luồng tiền rất lớn chạy vào sàn vàng như đã từng xảy ra. Khi đó, lượng tiền không vào sản xuất mà chảy vào đầu cơ. Nay lại mở ra thị trường chính thức sẽ tạo ra luồng tiền lớn hơn nữa chảy vào vàng. Điều này là không đúng với chủ trương của Nhà nước.

Hơn nữa, khi bản thân nhà đầu tư giao dịch vàng lại chưa có kinh nghiệm, mà tham gia “đánh” vàng trên sàn vàng quốc tế sẽ tạo ra rủi ro rất lớn. Nhìn ở khía cạnh như vậy, việc Nhà nước cho phép lập ra một kênh kinh doanh đầy rủi ro cho người dân lại là một vấn đề cần nghiên cứu thận trọng hơn.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, Việt Nam không phải quốc gia sản xuất vàng, không có tổ chức tài chính đủ mạnh để tạo lập thị trường. Nên nếu cho thành lập sàn vàng như vậy sẽ không thể tồn tại độc lập, mà chỉ là chân rết của sàn vàng quốc tế, chứ không phải sàn vàng Việt Nam.

“Khi lập ra sàn vàng nhưng không chi phối được giá vàng, mà do giá thế giới chi phối sẽ gây rủi ro rất lớn cho các bên tham gia, kể cả TCTD giữ vai trò tạo lập thị trường. Điểm quan trọng khác là đây không phải lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Nó là hoạt động đầu cơ, nên nếu để tiền hút vào sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội như trước đây. Vai trò của NHNN là làm giảm vai trò của vàng, vì vàng tồn tại trong nền kinh tế dưới dạng tích trữ, kinh doanh, đầu cơ sẽ tạo ra rất nhiều bất ổn. Và nếu để thành lập sàn vàng mà kinh doanh thua lỗ, đất nước sẽ bị mất lượng ngoại tệ rất lớn”, vị chuyên gia này khẳng định.

Theo một chuyên gia ngân hàng, khi phát hành chứng chỉ vàng, NHNN sẽ phải lập ra kho dự trữ và phát hành chứng chỉ vàng. Vậy ai là người xuất kho, đổi chứng chỉ vàng. Ai chịu trách nhiệm về chất lượng vàng… Đây là vấn đề rất lớn nên nhiều nhà kinh tế đã quay lại ủng hộ chế độ bản vị vàng.

Với Việt Nam, nếu làm như vậy là tạo ra kênh đầu tư vàng vật chất. Mặc dù là tờ giấy nhưng suy cho cùng bản chất tờ giấy là vàng tương ứng. Cách làm như vậy tạo ra kênh đầu tư rủi ro rất lớn, sẽ không kiểm soát được giá.

Lúc đó sẽ có 2 nhu cầu; Một là đầu cơ vào vàng để tích trữ. Đấy không phải là cách Nhà nước mong muốn, vì vàng không đi vào sản xuất, sinh lời. Hai là phục vụ đầu cơ. Suy cho cùng, cả hai nhu cầu đều không đúng với mục tiêu của NHNN là làm sao người dân giảm dự trữ vàng, bán vàng ra để đưa vào sản xuất kinh doanh tạo giá trị gia tăng cho xã hội.

(Theo Thời báo ngân hàng)