Tháng 5 năm nay, gia đình anh Giàng Seo Trà và chị Sùng Thị Say ở thôn Sán Chải, xã Thu Tà, huyện Xín Mần, Hà Giang, đã xuất bán được 2 lứa lợn giống ra thị trường, thu về 30-40 triệu đồng.
Gia đình anh Trà thuộc diện hộ nghèo. Tháng 7 năm ngoái, anh chị được hỗ trợ trên 11 triệu đồng và mua 3 con lợn nái, nguồn kinh phí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững.
Chọn được giống tốt, lại chăm sóc lợn cẩn thận, chỉ sau vài tháng, 3 con lợn nái đã sinh sản lứa đầu tiên. Bán lợn giống, gia đình anh Trà chị Say có thêm khoản tiền để trang trải, cuộc sống gia đình bớt khó khăn.
Thu Tà nơi gia đình anh Trà sinh sống là xã nghèo của huyện Xín Mần. Tại địa phương này, việc sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, địa bàn đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi, góp phần vào việc phát triển kinh tế của xã.
Toàn huyện Xín Mần có 18 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 17 xã, với 160/187 thôn đặc biệt khó khăn. Đây là địa bàn sinh sống của cộng đồng 16 dân tộc, với dân số trên 72.000 người, trong đó trên 69.300 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 96,2% tổng dân số toàn huyện.
Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt, Xín Mần huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thông qua việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân được cải thiện đời sống, tăng thu nhập, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo của UBND huyện Xín Mần, tới hết tháng 6/2024, huyện được Trung ương bố trí hơn 34,6 tỷ đồng để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Tổng cộng có 77 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai. Gần 2.000 hộ, trong đó có 1.915 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 68 hộ thoát nghèo, được thụ hưởng. Huyện Xín Mần ước tính hết năm 2024 sẽ giải ngân hết số kinh phí được bố trí.
Xác định học nghề, có kiến thức vững chắc là nền tảng để có việc làm bền vững, huyện còn mở hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết việc làm tại các xã, tiếp tục thực hiện công tác điều tra và tổ chức tuyên truyền tại các xã, thị trấn.
Chăm lo về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong 3 năm qua, Xín Mần được bố trí hơn 47,4 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương, cùng với hơn 4,7 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương, huyện đã hỗ trợ xây mới cho gần 1.000 hộ nghèo, sửa chữa nâng cấp nhà ở cho 243 hộ.
Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo cho học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện, Xín Mần miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 65.332 lượt học sinh. Gần 16.500 lượt trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa; hơn 21.400 học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở... Ngoài ra, hơn 21.400 học sinh cũng được cấp phát gạo.
Chăm lo sức khoẻ cho người dân nghèo, UBND các xã, thị trấn tại huyện Xín Mần thực hiện rà soát, mua và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng. Huyện đã cấp thẻ BHYT cho gần 210.000 lượt thẻ cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Gần 30.000 lượt người nghèo được khám chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
Kết thúc năm 2023 huyện Xín Mần giảm được 846 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo tương ứng 6,17%. Trong đó các xã có tỷ lệ giảm nghèo cao như: Cốc Rế giảm 8,1%; Nà Chì 8,88%; Tả Nhìu 10,46%... Huyện hiện có 6.604 hộ nghèo, chiếm gần 45% số hộ dân.
Năm 2024, huyện phấn đấu sẽ giảm 900 hộ nghèo, tương ứng 6,3%. Để đạt được mục tiêu trên, huyện xác định cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lấy người dân nói chung, hộ nghèo nói riêng làm trung tâm. Theo đó, cần phát huy vai trò tham gia lập kế hoạch trong cộng đồng của người dân nghèo, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo.