Cụm thi đua số 6 của LĐLĐ TP. Hà Nội có 5 đơn vị thành viên, gồm: Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội. Các đơn vị thuộc Cụm quản lý 328 Công đoàn cơ sở với 56.000 đoàn viên/59.000 công nhân viên chức lao động.
Các đơn vị thuộc Cụm thi đua số 6 luôn quan tâm chú trọng thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể". Từ đầu năm 2024 đến nay, trong toàn Cụm đã có 243 bản Thỏa ước lao động tập thể được ký mới, sửa đổi, bổ sung được gửi về Thư viện Thỏa ước lao động tập thể của Thành phố. Tỉ lệ Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Nội dung Thỏa ước lao động tập thể đã tập trung hơn vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động như: tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử, chất lượng bữa ăn ca, nâng lương, thực hiện tháng lương thứ 13, thưởng Tết, trợ cấp đi lại, giờ nghỉ và bồi dưỡng khi sinh con, nuôi con nhỏ, trợ cấp khó khăn cho người lao động…
Thoả ước lao động tập thể là thoả thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.Trong đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Điều 67 Bộ luật Lao Động 2019 quy định những nội dung có thể thương lượng trong Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:
Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Theo điều 82 Bộ luật Lao động 2019, Thỏa ước lao động tập thể chỉ được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận tự nguyện của các bên, thông qua thương lượng tập thể. Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Linh Chi