- 40 năm liền - cô thanh niên xung phong, nhà thơ đã mang trong mình đứa con tinh thần “khó sinh nở”…


Phải khá khó khăn, BTC mới tìm ra tung tích của nhà thơ Lê Thị Mây – người đoạt giải nhất Hạng mục Thơ cuộc thi “Đây biển Việt Nam” với trường ca “Người sau chân sóng”. Sau khi gửi tác phẩm tới tham dự chương trình, với lời đề tựa “Viết xong và chỉnh sửa ngày 15.12.2011 (ngày cuối cùng của thời hạn nhận bài), không ai biết nhà thơ đã đi đâu, đang làm gì? Phải đến khi gặp được nữ nhà thơ, những người tổ chức chương trình mới thấu hiểu, và cảm nhận hết sự ngây thơ, trong trẻo, chỉ biết sống với Thơ của một cô cựu thanh niên xung phong, đã suốt 40 năm liền đi trong giấc mơ dài về biển.

Nhà thơ Lê Thị Mây trong những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời. Bức ảnh chụp vào thời điểm đúng 2 tiếng đồng hồ trước khi cô thanh niên xung phong qua đò và trúng bom.

Khi cảm xúc dâng trào thì thời gian cho ra đời một tác phẩm chóng vánh chỉ trong nửa tiếng đồng hồ hay một ngày là điều không khó hiểu. Nhưng có một nhà thơ sinh ra và lớn lên ở biển, nghẹn ngào chứng kiến bao nỗi thăng trầm nơi vùng biển quê mình đổi thay lại quyết định chôn sau vào đáy lòng mình những xúc cảm, để ấp ủ, để tự mình mang nặng đẻ đau một đứa con tinh thần. Đứa con ấy được ra đời sau 40 năm thai nghén và đắp bồi nên hình hài, da thịt.

Lê Thị Mây – nhà thơ nữ năm nay đã ngót nghét 63 tuổi chính là người trót mang trong mình nỗi niềm đau đáu ấy. Khi mái tóc và vẻ đẹp của một người phụ nữ, cùng với năm tháng, đã qua đi trên khuôn mặt của nữ nhà thơ này, “đứa con” mới được sinh ra.

Chỉ cần nhắc về biển, đôi mắt cô đã sáng lên và chất giọng Quảng Bình đặc trưng bỗng biết run rẩy: “Biển cho tôi cảm xúc! Một cảm xúc dạt dào như những con sóng đánh vào tâm hồn của những người cầm bút…

“Mạch chảy trong tôi không bao giờ ngưng nghỉ!”

40 năm, từ giây phút vỡ nát của trái tim trong đôi mắt của cô gái thanh niên xung phong khi trở về quê hương để đứng trước cảnh hoang tàn của chiến tranh. Bao nỗi nhớ quê hương, gia đình và những kỉ niệm bỗng chốc chỉ còn lại trong những giọt nước mắt để rồi từ đó đứa con tinh thần bắt đầu hình thành trong cô từ ấy.

Mang trong mình cả nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác, khi mảnh đạn kí ức không chỉ găm lên người cô gái một vết thương mà còn gieo vào đó một nỗi niềm ấp ủ: “Làm sao để những con chữ và những vần thơ có thể gánh được hết những cảm xúc không bao giờ nguôi ngoai theo mình suốt cả cuộc đời”.

“Mạch chảy trong tôi không bao giờ ngưng nghỉ!” – nhà thơ Lê Thị Mây khi nói về quãng thời gian cô hoàn thành tác phẩm “Người sau chân sóng”.

Người cha ngư dân và bức ảnh gia đình kỉ niệm còn sót lại của nhà thơ Lê Thị Mây.

“Trong 1000 giấc mơ của tôi, có đến 80% liên quan đến biển” – Tâm sự này chắc chắn là sự thực, bởi nhắc đến biển, lập tức những hồi ức ùa về. Cô nhớ về những ngày thơ ấu khi nghịch ngợm và vui đùa bên dòng sông Nhật Lệ êm đềm. Cô nhớ những ngày đạn bom, khói lửa, đã để lại dấu ấn không chỉ trong tâm trí mà còn trên cả thịt da.

Nhắc đến biển, một người con của đất biển không thể không nhớ đến người cha dân chài của mình. Cô kể một cách say sưa về người cha của cô trong những tháng ngày êm đẹp bên làng đánh cá nhỏ, bên những kỉ niệm tuổi thơ của một đứa bé làng chài với những trò chơi đặc biệt.

Nhà thơ đã thai nghén và đắp bồi nên hình hài đứa con tinh thần suốt 40 năm liền, chưa bao giờ ngưng nghỉ...

Tất cả những điều đó đã tạo nên một đời sống biển đậm đặc chất liệu, với cả môi trường biển, tính cách biển và tâm lý biển trong trường ca “Người sau chân sóng”. Đến bây giờ khi được hỏi đã khép lại tác phẩm đó chưa, Lê Thị Mây vẫn lắc đầu: “Chưa, với tôi nó vẫn chưa thể khép lại, đứa con ấy vẫn cần một thứ như một giọt nước cuối cùng. Và giọt nước ấy là thế nào hiện nay tôi vẫn chưa thể xác định, chỉ biết rằng nó vẫn đang còn sống trong tôi như chính đứa con của tôi khi được trào đời vẫn sống giữa cuộc sống hiện tại…”

Nhà thơ Lê Thị Mây sinh năm 1949 tại vùng đất Quảng Bình. Năm 1965, tham gia lực lượng thanh niên xung phong và bị thương năm 1968. Từ đó trở về quê hương sinh sống và bắt đầu ấp ủ để viết nên trường ca: “Người sau chân sóng”. Tác phẩm đã đoạt giải nhất Hạng mục Thơ của cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do Báo VietNamNet, Hội nhà văn và Hội Nhạc sĩ VN phối hợp, đồng tổ chức.

Vĩ Lam