Học từ nước Nhật
Là người con trai thứ ba trong gia đình sáng lập Samsung, Lee Kun-hee được gửi tới Nhật học khi mới 11 tuổi. Bố ông muốn con trai học cách xây dựng lại Nhật Bản từ đống tro tàn. Sau đó, ông học kinh tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản).
Tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của Nhật, bắt đầu sự nghiệp của mình tại Tongyang Broadcasting Company, một công ty con của Samsung, vào năm 1966, ông trở thành chủ tịch tập đoàn vào năm 1987.
Tháng 2/1993, Lee Kun-hee chưa ghi được dấu ấn ở vị trí lãnh đạo. Ông quyết định đưa nhóm điều hành Samsung Electronics đến một cửa hàng Best Buy ở Los Angeles (Mỹ) để kiểm tra thực tế về thương hiệu Samsung. Tại đó, họ trông thấy chiếc TV Samsung nằm trên góc kệ, phủ một lớp bụi, với mức giá rẻ hơn gần 100 USD so với mẫu của Sony.
Từ thực tế đó, ông đã họp 9 tiếng căng thẳng để tìm ra chiến lược đổi mới, giành lại thị phần bằng chất lượng. Công ty sẽ thu hút nhân tài từ nước ngoài và đòi hỏi các giám đốc điều hành cấp cao phải hiểu sâu sắc về thị trường nước ngoài và cách cạnh tranh ở đó.
Người hùng phía sau thành công của Samsung |
“Thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của anh”
Bốn tháng sau cuộc họp ở Los Angeles, Lee gọi các cấp quản lý đến một phòng họp của khách sạn Frankfurt, nơi ông đưa ra kế hoạch "Quản lý mới", khuyến khích các giám đốc điều hành "thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của bạn".
“Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi quan trọng. Nếu Samsung không chuyển sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn, sự sống còn của công ty có thể bị đe dọa”, ông Lee nói với Forbes ngay sau khi nhận nhiệm vụ.
Ông Lee và ban giám đốc thể hiện sự quyết tâm khi ngồi dưới một biểu ngữ có nội dung "Chất lượng là niềm tự hào của tôi".
Nhờ tài năng lãnh đạo và những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Lee Kun-hee đã thúc đẩy công ty leo những bước dài trên nấc thang công nghệ. Theo NYT, đầu những năm 1990, Samsung vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành nhà sản xuất dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ.
Samsung cũng thống trị thị trường màn hình khi xu hướng màn hình phẳng lên ngôi. Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này từng bước chinh phục thị trường di động tầm trung đến cao cấp khi nhu cầu điện thoại di động bùng nổ vào những năm 2000.
Samsung Electronics đã phát triển từ một nhà sản xuất TV hạng hai thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới theo doanh thu, vượt qua các thương hiệu Nhật Bản như Sony, Sharp và Panasonic về chip, TV và màn hình; chấm dứt vị thế thống trị của Nokia và đánh bại Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Năm 2004, chính truyền thông Nhật Bản phải thừa nhận sự tăng trưởng thần kỳ của Samsung: “Tin chấn động. Lãi ròng của Samsung đạt 10.000 tỷ won”, “Samsung lợi nhuận gấp đôi 10 công ty hàng đầu Nhật Bản gộp lại”.
Ngày 29/6/2009, Samsung đã ra mắt chiếc Galaxy đầu tiên, chỉ 10 ngày sau khi Apple bắt đầu bán iPhone 3GS. Đến năm 2010, dòng Galaxy S chạy phần mềm Android đã được trình làng. Tại thời điểm ra mắt, Galaxy S là một trong những smartphone mạnh nhất thị trường với sức mạnh đồ họa vượt trội hơn cả iPhone 3G.
Sự kiện ra mắt sản phẩm này cùng doanh số bán hàng lớn đã giúp hãng vượt qua Apple, trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2011.
Vào năm 2011, Samsung tiếp tục tạo ra một phân khúc sản phẩm mới gọi là phablet, một sản phẩm lai giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Đến năm 2012, Samsung đã vượt qua Nokia để trở thành hãng bán chạy điện thoại di động lớn nhất và liên tục giữ vị trí dẫn đầu ngành trong hơn một thập kỷ. Thành công của Samsung trong lĩnh vực điện thoại thông minh đã kéo theo lợi nhuận của các mảng kinh doanh linh kiện như chip, màn hình và bộ xử lý tăng vọt. Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 22,3 tỷ USD.
Samsung được bình chọn là thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2019 do Tạp chí Campaign Asia-Pacific phối hợp cùng Nielsen thực hiện khảo sát 1.000 thương hiệu hàng đầu.
Ông Lee Kun-Hee |
Vượt qua khủng hoảng
Năm 2007, ông Lee đã nhận ra cuộc khủng hoảng tiếp theo sắp xảy ra đối với Samsung khi Trung Quốc nổi lên trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp, trong khi Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu về công nghệ tiên tiến. Các công ty Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - bị kẹp giữa.
Khi ông ấy bắt đầu vào cuộc đại tu tiếp theo cho Samsung, những cáo buộc ông trốn thuế hàng tỷ USD nổi lên. Năm 2008, Lee bị buộc tội thao túng một quỹ chính trị và giúp các con ông mua cổ phiếu của Samsung với giá rẻ.
Các công tố viên không chứng minh được cả hai cáo buộc, nhưng ông Lee bị kết tội trốn thuế và tham ô. Và thay vì chống lại các cáo buộc, ông đã khiến Hàn Quốc choáng váng khi tuyên bố từ chức trên sóng truyền hình trực tiếp.
Đến năm 2009, Chủ tịch Samsung bị kết tội trốn thuế với mức phạt 110 tỷ won (97,1 triệu USD) và nhận án 3 năm tù treo. Ngoài ra ông Lee còn vướng vào cáo buộc bội tín khi sử dụng trái phiếu nhằm mục đích chuyển một số cổ phần đáng kể trong công ty cho con trai, nhằm giúp gia đình ông nắm quyền kiểm soát trong Tập đoàn Samsung và chuyển giao quyền lực cho Lee Jae-yong - con trai duy nhất của ông.
Từ khi ông Lee Kun-Hee lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê năm 2014, việc người thừa kế tập đoàn này vẫn còn gây tranh cãi.
Giới phân tích cho rằng, những bê bối liên tiếp trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò thừa kế của ông Lee cũng như uy tín của Tập đoàn Samsung.
- Với khối tài sản được ước tính 20,7 tỷ USD, Lee Kun-hee được vinh danh là người quyền lực thứ 41 trong danh sách “Những người quyền lực nhất thế giới” do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2013, là người Hàn Quốc đứng thứ hai sau Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. - Ông Lee hiện là người giàu nhất Hàn Quốc do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2019. - Ông Lee Kun-hee từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2005. - Theo Bloomberg Billionaires Index, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng ước tính là 20,7 tỷ USD. |
Bảo Anh (Tổng hợp)