Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei, hơn 1 tháng sau khi ban hành lệnh cấm.
Một tháng qua là thời gian ảm đạm của Huawei khi bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen" cùng với 70 chi nhánh. Danh sách này cấm các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh với Huawei và các chi nhánh nếu không được chính phủ cho phép.
Ảnh hưởng của lệnh cấm lan rộng khắp mọi bộ phận của Huawei, từ thiết bị viễn thông, laptop, điện thoại... Chỉ vài ngày sau khi ông Trump ban hành lệnh cấm, hàng loạt nhà sản xuất chip đã "cắt đứt" quan hệ với Huawei, trong khi Google cũng rút giấy phép sử dụng Android, các dịch vụ Google khỏi smartphone Huawei.
Huawei vẫn nên có kế hoạch dự phòng trong trường hợp ông Trump đổi ý. Ảnh: TechCrunch. |
Gần đây, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết lệnh cấm có thể khiến hãng thiệt hại đến 30 tỷ USD doanh thu trong 2 năm tới.
Do đó, quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 giống như một chiếc phao cứu sinh của Huawei. Quyết định này có thể mâu thuẫn với quan điểm vài chính trị gia Mỹ, những người cho rằng việc đưa vào danh sách đen là để "dìm chết" Huawei và tham vọng phát triển của họ, một mối nguy hại với an ninh Mỹ.
"Tôi đề cập đến những thiết bị không gây nguy hại đến an ninh quốc gia", ông Trump nói về những công nghệ được phép bán cho Huawei.
Dù thông tin có thể khiến Huawei "nhẹ nhõm" hơn, nhưng niềm tin của người dùng và vị thế của Huawei dường như đã bị phá vỡ trong thời gian qua, và không có cách nào quay lại như trước đây.
Chỉ một tháng trong vùng nguy hiểm, người ta có thể thấy rõ Huawei phụ thuộc vào công nghệ từ Mỹ đến thế nào. Dù đã chuẩn bị cả về phần cứng lẫn nền tảng phần mềm để thay thế, những phương án của Huawei không thể hoạt động hoặc khó mà cạnh tranh với những công nghệ Mỹ trước đó họ vẫn dùng.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: ABC. |
Không có công nghệ từ ARM, Huawei không thể phát triển những vi xử lý mới cho smartphone. Thiếu chip của Intel, họ không có gì để lắp cho máy chủ. Hệ điều hành HongMeng OS đến giờ vẫn chưa xuất hiện, và thật khó tưởng tượng viễn cảnh hệ điều hành này thay thế được Android về ứng dụng, chức năng.
Nói cách khác, những nỗ lực để tránh phụ thuộc vào công nghệ Mỹ của Huawei đã bị chỉ rõ là kém thuyết phục như thế nào trong 1 tháng qua. Điều đó chỉ rõ ở thị phần sụt giảm tại những thị trường như châu Âu, nơi Huawei đặt nhiều hi vọng tăng trưởng nhằm giành giật vị trí của Samsung.
Tất nhiên, việc bớt phụ thuộc vào các đối tác Mỹ không bao giờ là quá trình dễ dàng cả về phần cứng lẫn phần mềm. Không có công nghệ Mỹ, Huawei không thể duy trì tình hình kinh doanh tốt như thời điểm đầu năm (59 triệu smartphone bán ra quý I/2019, tổng doanh thu 107,4 tỷ USD trong năm 2018).
Giờ đây, mọi chuyện đã phần nào trở lại quỹ đạo với Huawei. Khoảng thời gian một tháng qua đã khiến họ thiệt hại nặng nề cả về tài chính lẫn hình ảnh công ty. Tuy nhiên, nó cũng là lời nhắc nhở hiệu quả nhất để Huawei luôn chuẩn bị kỹ càng phương án dự phòng, nhằm tránh trở thành "quân cờ chính trị" một lần nữa trong tương lai.
(Theo TechCrunch/ Zing)