“Dạy trẻ bằng phương pháp trải nghiệm là tốt, nhưng leo Fansipan là bài học quá sức với trẻ 5 tuổi bởi trên đường đi có quá nhiều rủi ro, có thể gây nguy hiểm cho trẻ”, một độc giả bày tỏ.


Quá nhiều rủi ro

Chia sẻ quan điểm về việc cho con 5 tuổi leo Fansipan, độc giả Atlanta cho biết, có rất nhiều cách để dạy con lòng can đảm nhưng cách của anh Cường quá nhiều rủi ro và không phù hợp với lứa tuổi.

“Con chim thả con từ trên cao xuống khi con đã đủ lông cánh, con hổ dạy con vờn mồi với những con mồi nhỏ, hoặc đã yếu. Cho dù chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể đặt tính mạng con mình trước rủi ro 50/50, vả lại đó không phải là thử thách mà các cháu sẽ gặp trong đời, có nhiều thử thách khác đặt ra cho các cháu trước mắt ở ngay lứa tuổi hiện tại của các cháu”, độc giả này chia sẻ.

Độc giả Thu Hương cũng đồng tình rằng, cuộc trải nghiệm leo Fansipan là quá nhiều rủi ro với một đứa trẻ 5 tuổi. “Cho trẻ con đi để nó có trải nghiệm chứ không phải bị ám ảnh. Chưa nói đến những nguy hiểm rình rập, những gì một đứa trẻ 5 tuổi phải đối mặt như dốc đá treo leo, ngủ đêm trong rừng ẩm ướt, …đã khiến chúng bị ám ảnh rồi. Cách ‘động viên’ của ông bố bằng lời hăm dọa cũng có thể khiến con bị ám ảnh. Bản thân ông bố kỹ năng cũng chưa phải đạt mức thượng thừa để mà coi thường được tất cả. Càng đi nhiều mới càng thấy hết được những rủi ro tiềm ẩn trên đường phượt”.

“Đứa trẻ con 5 tuổi leo đỉnh núi cao như thế, mưa gió trơn trượt... Ơn trời là các con đã trở về bình an, chứ chẳng may sảy chân hay ốm đau trên đó thì chẳng biết sẽ thế nào. Đưa con vào trải nghiệm khắc nghiệt và quá nhiều rủi ro như thế là không cần thiết với bài học dạy vượt qua thử thách”, độc giả Minh Huyền tiếp lời.

Để con trải nghiệm đúng tuổi

Độc giả Việt Phương cho rằng, bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng muốn rèn luyện cho cho, cho con nếm trải thử thách để con cứng cáp. Nhưng để dạy con các bài học thì trước hết phải quý trọng sinh mạng của con đã:

“Bố mẹ nào cũng yêu thương con, mong con nên người. Vì thế mà tất cả những ông bố bà mẹ bình thường sẽ không làm như ông bố này. Mình nghĩ việc đưa đứa trẻ 5 tuổi lên đỉnh núi như thế kia là điên cuồng. Không thể vì bọn trẻ bình an lên đỉnh và trở về thì coi việc này là tốt được, đó chẳng qua là may mắn. Không thể đặt con mình vào sự nguy hiểm thấy rõ để cho nó trải nghiệm trong khi chính bản thân mình còn dễ gặp bất trắc, giả sử anh có làm sao bọn trẻ sẽ thế nào?”, độc giả này bày tỏ.

Độc giả Ngọc Hà cũng cho rằng, trách nhiệm của cha mẹ là không bao giờ đặt con mình vào tình huống nguy hiểm. “Cùng một sự việc, cùng một sự rèn luyện nhưng đối với lứa tuổi này là hay, là tốt nhưng đối với lứa tuổi khác là mạo hiểm không cần thiết. Chỉ xét việc đưa trẻ đi leo Fansipan, nếu đứa trẻ đó 17 tuổi, quá bình thường, nếu đứa trẻ đó 12-13 tuổi: hơi mạo hiểm, nhưng có thể hiểu được bởi lứa tuổi thiếu niên 12-13 có thể rút ra bài học từ sự trải nhiệm này. Nhưng với đứa trẻ 5 tuổi thì quá liều mạng”, độc giả Hà nói.

Nhiều độc giả cho rằng, muốn con can trường, mạnh mẽ, nghị lực, cần phải có một quá trình giáo dục và định hướng lâu dài. Chứ không thể ‘đốt cháy giai đoạn’.

“Đời các con còn dài, hãy cho chúng cơ hội tìm tòi và đánh giá những đỉnh cao bằng nhận thức và con tim của chính chúng. Rồi chúng sẽ tìm cách chinh phục những đỉnh cao đó bằng chính những nhận thức, lối suy nghĩ tích cực, cách sắp sếp và cố gắng nỗ lực của chính mình. Sự chinh phục này mới thực sự có ý nghĩa với các con”, một độc giả bày tỏ.

K. Minh (tổng hợp)



BẠN NGHĨ GÌ VỀ Ý KIẾN NÀY?