Các cuộc không kích hệ thống phòng không và lực lượng của đại tá Gaddafi của quân Anh, Pháp và Mỹ đã sang ngày thứ 4, chặn được bước tiến của quân chính phủ và tạo đà cho lực lượng nổi dậy, vốn trên đà bị đánh bại hồi tuần trước.



Tuy nhiên, các đơn vị được tổ chức tốt hơn của quân nổi dậy dường như vẫn chưa sẵn sàng và sự lộn xộn của phe đối lập đã nhấn mạnh cảnh báo của Mỹ rằng bế tắc lâu dài sẽ phát sinh.

Chiến dịch không kích của Mỹ và châu Âu đã làm thay đổi bản đồ Libya và cứu quân nổi dậy khỏi mối đe dọa trực tiếp mà họ đang đối mặt, chỉ vài ngày trước khi bị đè bẹp dưới các cuộc tấn công như vũ bão của quân đội chính phủ Gaddafi. Các đợt không kích đầu tiên của liên quân đã phá hủy một loạt xe tăng đang tiến về thành phố Benghazi, thành trì của quân nổi dậy ở phía đông.

Đêm qua (21/3), đài truyền hình Libya cho biết, một đợt không kích mới đã diễn ra ở thủ đô Tripoli, đánh dấu đêm thứ 3 liên tiếp thành phố này bị tấn công. Tuy nhiên, trong khi các cuộc không kích có thể chặn bước đội quân của Gaddafi khỏi tấn công các thành phố của quân nổi dậy, thì Mỹ dường như đã tỏ ra lưỡng lự trong việc tiếp tục giúp quân nổi dậy ở đây lật đổ người đứng đầu Libya.

Tổng thống Mỹ Obama hôm 21/3 tuyên bố, chính sách của Mỹ là Gaddafi phải ra đi. Tuy nhiên, các chiến dịch không kích của liên quân lại có mục tiêu khiêm tốn hơn - bảo vệ dân thường.

Tại Washington, vị tướng Mỹ chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công cho hay, liên quân không có ý định bọc lót cho chiến dịch nổi dậy ở Libya bằng các cuộc không kích. Tướng Carter Ham nói, Gaddafi có thể cố nắm quyền sau khi các chiến dịch oanh kích chấm dứt, tạo bế tắc giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy, trong khi liên quân thực thi vùng cấm bay để đảm bảo nhà lãnh đạo này không tấn công dân thường.

Tại LHQ, Hội đồng Bảo an hôm 21/3 bác bỏ đề xuất họp phiên khẩn cấp của Libya. "Libya muốn họp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc xâm chiếm này".

Trong số những thành viên của quân nổi dậy, đã có một số nhận thức được rằng giao tranh sẽ kéo dài. Mohammed Abdul-Mullah, từ Benghazi - thành viên quân nổi dậy nói, quân chính phủ đã ngừng mọi kháng cự khi chiến dịch của quốc tế bắt đầu. "Sự thăng bằng đã thay đổi nhiều, song quân Gaddafi vẫn rất mạnh. Họ có một đội quân chuyên nghiệp, vũ khí tối tân. Trong khi đó, 90% lực lượng nổi dậy là dân thường, còn phía Gaddafi đều là những chiến binh chuyên nghiệp".

Khả năng tổ chức chưa tốt của quân nổi dậy cho thể cản trỏ nỗ lực tận dụng những biến chuyển của sự kiện. Kể từ khi nổi dậy, phe đối lập chỉ mới tổ chức được các nhóm rời rạc dù đã nắm trọn quyền kiểm soát phía đông nước này.

Về phần liên quân, Mỹ hiện đang mong mỏi chuyển giao quyền lãnh đạo chiến dịch song liên quân lại bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối NATO nắm quyền chỉ huy trong khi Italia cho biết sẽ không cho phép dùng sân bay của nước này nếu liên minh cũ không nắm quyền lãnh đạo. Đức và Nga cũng chỉ trích cách tiến hành chiến dịch.

  • Hoài Linh (Theo AP)