Ngôi mộ ấy vô danh, không hài cốt, nằm sát bên quốc lộ 1A, cạnh một khu chợ nhỏ thuộc địa phận xóm 13, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Ngôi mộ vô danh được người dân thay nhau thờ phụng
Người dân xã Quỳnh Thạch cho biết, ngôi mộ đã có từ hàng trăm năm nay nhưng không biết của ai, quê ở đâu, chức sắc gì. Chỉ nghe ông bà kể lại rằng, mộ thờ một người lính đánh trận trong thời kỳ chống thực dân Pháp.
Theo lời các bậc cao niên trong xã, ngay từ khi còn rất nhỏ đã nghe ông bà kể về ngôi mộ này. Người lính đánh trận bị thương và chạy từ huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) ra. Khi đến địa bàn xã Quỳnh Thạch thì những giọt máu từ vết thương rơi xuống đất. Để đánh lạc hướng truy lùng của quân giặc, người dân lấy đất, đá đắp lên chỗ giọt máu rơi xuống.
Vì vết thương quá nặng, người lính không qua khỏi. Thi thể sau đó cũng bị giặc Pháp đưa đi mất.
Thương xót người lính hy sinh vì đất nước, bà con bốc nắm đất, nhặt viên đá đắp lên chỗ những giọt máu đã rớt xuống thành một ngôi mộ để tưởng nhớ. Ngôi mộ về sau ngày càng to, cao dần lên.
Không biết tên tuổi, quê quán người lính này ở đâu, người dân theo nhau gọi tên ngôi mộ là mộ ông Lính.
Ông Nguyễn Xuân Hòe (70 tuổi, nguyên Bí thư xóm 12, xã Quỳnh Thạch) cho biết, trước đây quốc lộ 1A đoạn qua xã không rộng như bây giờ. Mộ ông Lính nằm ngay trên đường.
"Năm 1976, địa bàn xã Quỳnh Thạch sát nhập với các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng và Quỳnh Thanh (thuộc huyện Quỳnh Lưu) và gọi chung là xí nghiệp Quỳnh Sơn.
Để tránh gây ách tắc giao thông, xí nghiệp Quỳnh Sơn giao cơ quan chức năng sở tại có trách nhiệm giải tỏa ngôi mộ, ra thông báo ngăn cấm bà con địa phương không được đắp đá lên ngôi mộ nữa.
"Khi ấy tôi đang giữ chức vụ công an xã nên phụ trách việc giải tỏa ngôi mộ. Thế nhưng chỉ 3 ngày sau, ngôi mộ lại được người dân bồi lại như cũ. Thậm chí, đã nhiều lần cán bộ địa phương cho đào sâu ngôi mộ xuống 20cm nhưng chỉ một thời gian ngắn ngôi mộ lại được đắp lại. Cứ như thế, công tác giải tỏa ngôi mộ gặp rất nhiều khó khăn. Lâu dần, chính quyền cũng đành thuận theo để người dân tiếp tục thờ phụng, hương khói cho người lính tử trận vô danh", ông Hòe chia sẻ.
Từ khi có chủ trương giải tỏa mặt bằng để mở rộng quốc lộ 1A, ngôi mộ được người dân địa phương dịch chuyển sang bên đường, ngay góc ngã tư đèn đỏ, cạnh khu chợ nhỏ thuộc địa phận xóm 13, xã Quỳnh Thạch.
Hàng trăm năm thờ phụng, chăm sóc
Theo ông Hoàng Đình Toại, Trưởng chòm ông Lính, xóm 13, xã Quỳnh Thạch, giữa năm 2014 có kế hoạch giải tỏa mặt bằng, mở rộng quốc lộ 1A nên lăng mộ ông Lính được người dân địa phương dịch chuyển sang bên đường.
Cũng trong thời gian này, 18 hộ gia đình thuộc xóm 13, xã Quỳnh Thạch sinh sống gần lăng mộ ông Lính đã lập thành một chòm lấy tên là chòm ông Lính.
Năm 2017, chòm ông Lính đã góp tiền, góp sức xây lăng mộ người lính này khang trang, cao ráo, sạch sẽ như bây giờ. Mọi người ai cũng có ý thức hương khói, bảo vệ mộ, thể hiện lòng thành kính, biết ơn người nghĩa quân năm xưa. Mộ ông Lính là niềm tự hào của bà con nhân dân trong xã Quỳnh Thạch hiện nay.
Bà Lê Thị Tâm - 35 năm buôn bán ở khu chợ sát cạnh mộ ông Lính chia sẻ: "Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe người ta nhắc đến tích của ngôi mộ này. Nay tôi đã 75 tuổi, tính ra mộ ông Lính đã có từ hàng trăm năm trước. Nghe nói chẳng có gì trong ngôi mộ ngoài những giọt máu".
Không ai biết ngôi mộ có từ bao giờ, trải qua nhiều thế hệ, người dân địa phương vẫn hàng ngày chăm sóc, hương khói chu đáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Lực - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch chia sẻ. "Lăng mộ ông Lính có từ lâu đời, đó là ngôi mộ vô danh, không có hài cốt, nằm sát quốc lộ 1A. Tương truyền ngôi mộ được cho là thờ phụng một người lính quả cảm đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Đã hàng trăm năm nay, các thế hệ con cháu vẫn tiếp nối thay nhau hương khói, thờ phụng".
Ngôi mộ ông Lính vô danh, không hài cốt, nhưng được người dân quyết tâm bảo vệ, chăm sóc nhiều đời nay, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân với những người đã hy sinh vì dân tộc.
Theo Dân trí