Sự hỗ trợ quốc tế, trước hết từ tổ chức Liên Hiệp Quốc, sẽ tiếp sức Chính phủ và Nhân dân Viêt Nam trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu toàn cầu theo tinh thần Nghị định thư của Hội nghị COP21 ở Paris.
Việt Nam bị ảnh hưởng nặng về Biến đổi khí hậu
Theo ông Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson, Việt Nam hiện là một trong 22 quốc gia đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino. Kết luận đó rút được từ chuyến thăm Việt Nam của ông Jan Eliasson và các thành viên vào đầu tháng 5/2016 này, đặc biệt sau cuộc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn mặn và biến đổi khí hậu ở tỉnh Bến Tre.
Hỏi thăm một phụ nữ nông dân, một trong hàng ngàn hộ dân đang gặp khó khăn do hạn mặn khốc liệt gây ra, ông Jan Eliasson được bà phản ảnh rằng: Năm trước, vào thời điểm này, gia đình bà đã thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, năng suất lúa đạt 700 kg/1.000m2 (gia đình bà có 5.000m2 đất) và chuẩn bị cày đất xuống giống vụ Hè Thu. Nhưng, năm nay, do nước mặn lên sớm, toàn bộ diện tích lúa của gia đình bà đã bị thiệt hại. Lúa chết khi chưa trổ bông đến mức nhà bà không có cả rơm cho bò ăn nữa.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (thứ 2 từ phải) khảo sát cánh đồng lúa chết khô vì nước mặn. Ảnh theo nguồn TTXVN. |
Tiếp đến thăm Nhà máy nước xã Bảo Thuận ở huyện Ba Tri, đoàn của vị Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã tận mắt nhìn thấy cán bộ nhà máy nước đo độ mặn tại hồ chứa cao đến những 3,2 phần ngàn. Đến khảo sát tình hình sạt lở ở cồn Ngoài cũng thuộc xã Bảo Thuận đoàn biết thêm, hằng năm tại đây mất cả chục hécta đất do sóng biển mùa gió chướng đánh mạnh vào bờ, trong khi hệ thống đê kè chưa được xây dựng kiên cố, làm mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bạc Liêu, đoàn của ông Jan Eliasson được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết: Toàn tỉnh có hơn 20.000 ha lúa vụ Đông Xuân bị mất trắng, làm cho người dân không có gạo ăn, bò cũng không có rơm ăn. Chính ông Jan Eliasson cũng phải thốt lên: “Người dân không có nước ngọt sinh hoạt, những khu vực vốn rất trù phú nay cũng chỉ còn những cánh đồng trơ trọi”.
Không chỉ tỉnh Bạc Liêu, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 208.000 ha lúa bị thiệt hại, mất 1 triệu tấn lúa; hơn 9.000 ha cây ăn quả và hơn 200.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt… Và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát còn thông tin thêm với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc rằng: Không dừng ở đây, hạn hán gay gắt còn xảy ra cả vùng Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.
Trước tình trạng đó, Chính phủ Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực có thể để giúp người dân với phương châm không để dân đói, thiếu nước sinh hoạt, dịch bệnh bùng phát.
Tuy vậy, đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay quá khốc liệt. Đúng như dự đoán, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao và, do đó, mới được các tổ chức quốc tế quan tâm.
Các cam kết của quốc tế giúp đỡ Việt Nam
Sáng 6/5/2016, sau chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế tại một số địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với báo chí tại TP.HCM.
Theo ông Jan Eliasson, là một trong 22 quốc gia đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino, trong thời gian qua, dù Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực nhưng do đây là vấn đề toàn cầu, đòi đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều quốc gia.
Phó TTK Liên Hợp Quốc Jan Eliasson trao đổi với báo chí sáng 6/5/2016. Ảnh từ nguồn VGP |
Và "Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cùng Liên Hợp Quốc tìm ra các giải pháp để chống lại tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi trên toàn cầu", Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị.
Đánh giá Việt Nam là quốc gia rất tích cực tham gia trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ông Jan Eliasson cho biết: “Trong trách nhiệm của mình, sau chuyến làm việc tại Việt Nam, tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy những hỗ trợ cho Việt Nam giải quyết những khó khăn trên”. Và cụ thể, “trong tháng tới, Liên hợp quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên quan về nhân đạo và biến đổi khí hậu. Ở diễn đàn này, chúng tôi sẽ đề cập đến những khó khăn của người dân Việt Nam."
Riêng về vấn đề thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Jan Eliasson cho rằng, nguyên nhân một phần do nước biển dâng cao làm cho nguồn nước mặn xâm nhập vào trong các khu vực trồng trọt, đồng thời nhấn mạnh: các quốc gia (ý đề cập đến Trung Quốc, Lào, Kampuchia và Việt Nam) cần phải có sự hợp tác chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong. Ông Phó Tổng Thư ký LHQ cho rằng: Mỗi quốc gia có nhu cầu sử dụng nguồn nước cho những mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, thủy điện… nên các bên phải tìm ra các cách thức để hợp tác bởi vì đây là giải pháp để đảm bảo lợi ích của các quốc gia chia sẻ nguồn nước từ dòng sông này, cùng với đó là quản lý nguồn nước một cách hiệu quả.
Ông Jan Eliasson cho biết thêm, rằng vì thiếu nước ngọt là thách thức lớn trên thế giới nên Liên hợp quốc đã thành lập nhóm công tác, xây dựng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn về vấn đề nguồn nước. Và ở Việt Nam, nhóm cán bộ Liên hợp quốc tại đây cũng đưa ra kế hoạch làm việc cụ thể với cơ quan chức năng và các nhà khoa học Việt Nam nhằm tìm những giải pháp tốt nhất ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, nước biển dâng…
Về phía Liên Hợp Quốc, trước mắt cơ quan này sẽ khẩn trương kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ khoản tiền 48 triệu USD để giúp đỡ Việt Nam triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cũng như thực hiện các hoạt động hỗ trợ cuộc sống của các hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng.
Ngoài ra, về phía nước chủ nhà, đầu tháng trước, ngày 4/4/2016, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, tham vấn với các chuyên gia và các bên liên quan nhằm xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại 13 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, bảy tổ chức phi chính phủ nước ngoài và doanh nghiệp đã có những cam kết hỗ trợ ban đầu cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn này với tổng trị giá 1,1 triệu USD (24 tỷ đồng) qua các chương trình cung cấp nước sạch, lương thực và dinh dưỡng.
Và trong dài hạn, 22 tổ chức phi chính phủ ở các nước nước ngoài, thông qua Thỏa thuận khung ký với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, cam kết triển khai 30 chương trình và dự án trong ba năm (2016-2019) tại 13 tỉnh bị thiệt hại với tổng ngân sách là 12,3 triệu USD (tương đương khoảng 274 tỷ đồng).
Các nguồn hỗ trợ quốc tế nói trên sẽ góp phần tiếp sức Chính phủ và Nhân dân Viêt Nam trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu toàn cầu theo tinh thần của Thỏa thuận COP21 được thông qua ở Hội nghị Paris cuối năm 2015 hay Nghị định thư chính thức vừa được ký kết trong tháng Tư năm 2016 vừa rồi giữa 196 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trần Minh