“Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (ở ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) được thành lập năm 2005, trên cơ sở hợp nhất 3 Hợp tác xã: Đức Lộc, Phú Cường và Trường Thạnh. Hiện Hợp tác xã có 382 thành viên, vốn điều lệ 2,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với lúc thành lập. Hoạt động dịch vụ khởi điểm là bơm tưới và tiêu úng, nay đã phát triển lên 14 dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thành viên và nông dân địa phương, góp phần giúp cho thành viên và nông dân an tâm sản xuất, ổn định thu nhập. Doanh thu của Hợp tác xã năm 2022 ước đạt 32 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng”, Giám đốc Trần Văn Lô Ba tóm tắt hành trình phát triển của Hợp tác xã. 

anh bai 38.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh đã liên kết với doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp của nông dân theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Ảnh: B.M

Đồng hành với bà con nông dân, ngoài dịch vụ chính là bơm tưới và tiêu úng, Hợp tác xã còn cung ứng vốn mua giống, vật tư nông nghiệp với lãi suất ưu đãi; cung ứng phân, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm. Đặc biệt, Hợp tác xã đã đầu tư lắp đặt lò sấy lúa công suất 30 tấn/mẻ, đáp ứng nhu cầu lưu kho, bảo quản chờ giá tốt tiêu thụ cho thành viên và nông dân.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà máy xay xát lúa gắn với đóng gói bao bì, có nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá thương hiệu Gạo an toàn Phú Thạnh, Hợp tác xã còn triển khai cửa hàng kinh doanh gạo – nếp và thực phẩm thiết yếu, để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.

Định hướng phát triển hợp tác xã có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh đã liên kết với doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp của nông dân theo mô hình “Cánh đồng lớn”. 

Cùng với đó, liên kết doanh nghiệp phát triển các sản phẩm: Dưa lưới trong nhà màng, đậu nành, rau và rau màu trong nhà lưới… Vận động nông dân chuyển vùng trồng nếp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh sau khi triển khai hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty NADI ở Bến Tre. 

Năm 2020, Hợp tác xã liên kết tiêu thụ cho 256 hộ với diện tích 200 ha, đạt doanh thu trên 14,6 tỷ đồng. 

Mới đây, tiếp nhận sự đầu tư, hỗ trợ thiết bị máy trộn phân hữu cơ của dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh mở rộng thêm dịch vụ sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch lúa để tạo ra giá trị tăng thêm trong chuỗi sản xuất. Theo đó, Hợp tác xã tiến hành thu mua rơm, ký kết hợp đồng mua bán với các hộ trồng nấm rơm trên địa bàn, thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý ủ, trộn rơm rạ để tạo ra sản phẩm mới là phân hữu cơ an toàn cho cây trồng, cung cấp ra thị trường. 

Mô hình này giúp tăng hiệu quả kinh tế cho thành viên hợp tác xã, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường (phát thải, ô nhiễm môi trường). Đây là hoạt động mới, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tối đa tài nguyên trong thích ứng với biến đổi khí hậu, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thí điểm, đánh giá hiệu quả để hoàn thiện và nhân rộng.

Với những kết quả đáng khích lệ, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh đã được Hội đồng thi đua Liên minh Hợp tác xã cụm các tỉnh Tây Nam sông Hậu tặng giấy khen, Hội đồng thi đua Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang đề nghị tặng Cờ thi đua Chính phủ.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh vẫn đang nỗ lực hướng tới mục tiêu có mặt trong Top đầu các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh An Giang, phát triển thành hợp tác xã đa ngành nghề, đa dịch vụ, ngày càng tăng doanh thu và lợi nhuận cho các thành viên.

“Trong thời gian tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh sẽ thành lập công ty trực thuộc Hợp tác xã. Công ty có nhiệm vụ tổ chức sản xuất lúa giống, lúa sạch, lúa hữu cơ. Đồng thời, kêu gọi các các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo góp vốn đầu tư lò sấy, nhà máy xay xát, lau bóng, đóng gói và xuất khẩu sản phẩm lúa, nếp đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn”, Giám đốc Trần Văn Lô Ba chia sẻ dự tính kế hoạch tương lai. 

Bình Minh