Liên minh HTX tỉnh Hà Nam hiện có 12 quỹ tín dụng nhân dân và gần 300 HTX đang hoạt động. Sản phẩm của các HTX hiện đang được tiêu thụ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Hỗ trợ xây dựng và phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX tạo ra những sản phẩm giá trị cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Thời gian qua, phát huy vai trò là cầu nối giữa các HTX với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh, Liên minh HTX đã trở thành ngôi nhà chung giúp cho các HTX được gặp gỡ trao đổi thông tin trong sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ tìm kiếm thị trường góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của các địa phương.

Trước khi trở thành thành viên chính thức của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, HTX đầu tư Sen Vàng đóng tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đồ uống. Tuy nhiên, HTX đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đầu năm 2023, khi chính thức gia nhập thành viên của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, HTX đầu tư Sen Vàng đã được tham gia vào các hội chợ xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX từ đó được quảng bá trên thị trường, tạo cơ hội cho HTX đẩy mạnh lên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất, Liên minh HTX tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Nam xây dựng sàn giao dịch điện tử của tỉnh với tất cả các HTX trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các HTX có sản phẩm hàng hóa nông sản cần tiêu thụ phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX; tổ chức cho các HTX, đơn vị thành viên có sản phẩm hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tại các hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh HTX  tỉnh Hà Nam cho biết: Chúng tôi hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX; tổ chức cho các HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, tìm kiếm thị trường tại các hội chợ…

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án Hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã xúc tiến triển khai nhiều giải pháp hoạt động thiết thực, tập trung làm chuyển biến rõ nét chất lượng các HTX. Đi đôi với công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất các HTX, đơn vị cũng phối hợp với các ngành, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX nông  nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương. Qua đó, nhiều HTX đã tổ chức sản xuất liên kết với các doanh nghiệp từ đầu vào đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, được các địa phương quan tâm nhân rộng. Hiện nay các HTX ít thành viên đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương với các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường như chăn nuôi gia súc. gia cầm, nuôi trồng thủy sản… góp phần vào việc từng bước chuyển dịch lao động trong nông nghiệp.

anh bai 18 chuan.jpg
 Trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hình thành trên 20 HTX có sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu biểu

Hà Nam đã hình thành được một số vùng nguyên liệu hàng hóa lớn thu hút đông đảo số lượng HTX và các thành viên tham gia. Từ các vùng nguyên liệu sẵn có cùng với việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm lúa, rau củ quả chủ lực, tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả  tích cực nhờ có sự đóng góp của các HTX, tiêu biểu là các HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Bắc, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Ninh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Uý.

 Ông Nguyễn Văn Quân- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nguyễn Uý cho biết: ”Chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng các mô hình liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Hiện tại mỗi năm chúng tôi tiêu thụ theo mô hình liên kết này từ 650 đến 700 tấn. Mô hình được nhân rộng trên 5 thôn của xã và được UBND xã đánh giá rất cao”.

Các HTX phi nông nghiệp thì đẩy mạnh các hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ thương mại tổng hợp, môi trường, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống đã tạo việc làm tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất tạo ra những sản phẩm mũi nhọn đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hình thành trên 20 HTX có sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu biểu như các sản phẩm: lúa gạo, bún phở khô, các sản phẩm dược liệu, rau màu, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV