Chưa tới giờ Ngọ, khi những con gà ở làng Tam Thạch đang chúi đầu đi kiếm mồi, anh nông dân họ Lưu đã cầm chân máy gắn iPhone luồn lách qua các thửa ruộng và bụi tre.
Anh chàng 26 tuổi đi chân đất leo lên cây, khi trèo xuống thì trong tay đã có vài bông hoa. Họ lưu giơ bông hoa ra trước camera và giải thích:
"Đây là hoa lan Dendrobium", anh nói trong khi nhìn chằm chằm vào điện thoại. "Loài hoa này mọc ở vùng núi của tỉnh Tứ Xuyên, nó rất đắt, cả trăm tệ một kg - dùng làm thuốc bổ thận và chữa viêm thanh quản".
Ngay sau đó, chiếc iPhone của Lưu hiện lên một loạt thông báo, màn hình tràn ngập biểu tượng hoa và những chai bia, mỗi icon này trị giá vài xu lẻ - tất cả đều đến từ người hâm mộ của Lưu trên khắp Trung Quốc. Họ chỉ đơn giản muốn dõi theo cuộc sống nông thôn của anh ta.
Trong số 731 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc, khoảng một nửa trong đó (bằng dân số Mỹ) thường xuyên online chỉ để xem video live-stream của những người như Lưu. Theo số liệu thống kê từ Credit Suisse, nội dung live-stream rất đa dạng, từ nhảy múa cho tới các lớp học trực tuyến, thậm chí có cả những trò mạo hiểm chết người.
Tất cả những thứ đó đã làm nên ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ USD ở Trung Quốc.
Mỗi ngày, họ Lưu đều live-stream về cuộc sống thuần nông của mình ở tỉnh Tứ Xuyên cho gần 200.000 người theo dõi. Tất cả những sự ủng hộ nho nhỏ đó gộp lại thành khoản tiền tương đương 1500 USD (34 triệu đồng) mỗi tháng, Lưu kiếm được nhiều hơn bất cứ ai trong làng Tam Thạch.
"Năm 16 tuổi, tôi đến vùng duyên hải làm thợ xây, sau đó làm công nhân sản xuất khóa zip, sau đó lại về quê chăn dê nhưng tất cả đều thất bại", Lưu chia sẻ. "Sau đó, tôi thấy mỗi công việc hiện tại có thể kiếm ra tiền".
Từ khi thường xuyên live-stream, Lưu học hỏi được rất nhiều điều. Trong đó có việc đọc chữ vì Lưu đã bỏ học từ lớp 5.
"Ban đầu khó khăn lắm, tôi còn chẳng đọc nổi tin nhắn từ người hâm mộ", Lưu nói trong khi ngượng ngùng cười khúc khích, "Nhưng tôi đã tiến bộ, giờ tôi đã có thể ở nhà chăm sóc bố mẹ, ai nấy đều vui vẻ. Việc này đã thực sự khiến tôi thay đổi".
Thậm chí, Lưu đã tìm được người yêu, cô gái này làm quản lý tại một cửa hàng quần áo ở tận Trùng Khánh. Thi thoảng, cô người yêu cũng theo Lưu đi vào những thửa ruộng bậc thang hoặc vườn cây để cùng anh live-stream.
"Anh chị em!", Lưu cầm lấy một quả cam rồi bắt đầu live-stream. "Đây, cam này do tôi trồng, không phun thuốc trừ sâu đâu. Cảm ơn những người đã ủng hộ và tặng quà tôi!".
Sau câu nói của Lưu, một loạt quà tặng ảo lại hiện lên màn hình. Mỗi lần như vậy, Lưu biết thừa tài khoản ngân hàng của mình lại nhảy vài con số.
Cuộc sống của họ Lưu khá đơn giản, anh ta thức dậy vào sáng sớm, cắt cỏ, chăn lợn và dọn chuồng cho chúng.
"Những lần live-stream đầu tiên, hàng xóm tưởng tôi nói chuyện một mình, còn nghĩ tôi bị điên", Lưu chia sẻ. "Vài người nói với các cụ ở nhà rằng tôi đã bị lừa chơi đa cấp, ai cũng cho rằng đầu óc tôi có vấn đề".
Tuy nhiên, sau khi tiền bắt đầu đổ về thì tất cả hoài nghi liền biến mất. Lưu thường xuyên sử dụng Huoshan, một trong số khoảng 100 ứng dụng live-stream phổ biến ở Trung Quốc. Khi live-streamer nhận được quà tặng ảo, công ty phát hành ứng dụng sẽ thu về phần nào đó trong lợi nhuận.
Đại đa số live-streamer ở Trung Quốc là những cô gái trẻ đẹp, nội dung từ nhẹ nhàng cho tới ồn ào. Tuy nhiên, sau khi nhà chức trách Trung Quốc cấm hết các ứng dụng live-stream có nội dung khiêu dâm thì trên Internet chỉ còn lại những người như Lưu, tạo ra thị trường cho 344 triệu người xem.
Theo Jeremy Goldkorn, tổng biên tập của SupChina, một trang tin giải trí mới nổi tại Trung Quốc thì: "Trông vậy mà ở Trung Quốc không có quá nhiều trò giải trí, phim ảnh và những thứ trên Internet hầu hết đã bị kiểm duyệt gắt gao. Live-stream phát triển mạnh mẽ như vậy là điều có thể dự đoán được."
Chính xác, sản xuất nội dung trực tuyến ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm qua, tạo ra khoảng 3 tỷ USD.
Lưu nói rằng, tiếng tăm trên Internet của anh ta không thực sự thiên về giải trí. Người xem của Lưu chủ yếu cảm thấy nuối tiếc quang cảnh thanh bình của nông thôn, trái ngược hoàn toàn với nhịp sống ở những thành phố đang phát triển như vũ bão tại Trung Quốc.
Anh giải thích: "Đa số người thành phố đều lớn lên ở nông thôn, họ luôn nhớ về cuộc sống vô tư và thú vị khi còn nhỏ. Chỉ đơn giản như lội xuống ruộng để mò cua bắt ốc..."
Bài phóng sự này được thực hiện trong một rừng tre yên tĩnh gần nhà Lưu. Đôi lúc, anh nông dân hỏi xem khán giả sống ở đâu. Những cái tên như Thành Đô, Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải hay thậm chí là Hoa Kỳ đồng loạt hiện lên màn hình.
Vài khán giả yêu cầu Lưu hát thử một bài tiếng Anh. Nắm bắt cơ hội kiếm tiền, Lưu bật ngay ứng dụng hát karaoke trên điện thoại và gân cổ hát. Những người có mặt ở đó phải miễn cưỡng nghe anh ta hát "Yester Once More" bằng chất giọng lơ lớ.
"Every sha-la-la-la-la, every woah-oh-oh, still shines."
Tất cả hát cùng Lưu trong giai điệu quen thuộc của nhóm Carpenters. Lúc đó, Lưu vớ lấy một thanh gỗ để giả vờ làm mic.
Bia, hoa... đủ các thể loại icon quà tặng lại bắn tung tóe trên màn hình iPhone. Lưu khẽ cười tủm tỉm, đến lúc ra về anh ta mới thủ thỉ rằng bài hát ban nãy đã đem về 50 USD.
Theo GenK