Mặc dù lo ngại dịch COVID-19, người tiêu dùng (NTD) giảm mua sắm trực tiếp, tăng mua sắm trực tuyến; song lượng livestream giảm hẳn và lượt khách xem, mua hàng cũng không nhiều. Vì sao?
Theo dõi một số đầu mối, cửa hàng chuyên livestream bán hàng có lượng người theo dõi cao cho thấy, nếu như trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thời lượng "phát sóng" của các chủ tài khoản này dày đặc thì hiện đã cắt giảm khá nhiều. Những buổi livestream trước đây từng thu hút hàng ngàn lượt xem, hàng bán ra liên tục... nay lượt khách xem đã giảm hẳn và không có nhiều tương tác, mua hàng.
Một nhóm bán hàng online livestream TPHCM có 48.000 thành viên nhưng trong cả buổi sáng cuối tuần chỉ có 5 người livestream giới thiệu quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm... Sau một giờ đồng hồ phát sóng, số lượt xem hiển thị chỉ dao động từ 14 – 67 lượt, chỉ có hai điểm có số lượt xem trên 100.
Tài khoản Hưng Dương shop livestream chào bán áo thun giá rẻ chỉ 50.000 đồng/2 áo nhưng cũng không có ai mua. Nhiều người xem phản hồi, hầu hết là quần áo mẫu cũ, qua mùa và 100% là hàng Trung Quốc. Chúng tôi nhắn tin (inbox) hỏi “có mẫu áo, đầm mới nào không?”, thì người bán phản hồi “toàn hàng mới”. Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi ảnh chụp màn hình những sản phẩm này được livestream rao bán trước Tết người bán lúc này mới thừa nhận, còn ít hàng tồn đăng bán cho hết, còn hàng mới tạm bị “đứt hàng” cho ảnh hưởng dịch COVID-19, đầu mối sỉ không lấy được hàng.
Tài khoản Sang Sang shop livestream giày dép giảm giá tới 50% nhưng sau một giờ vẫn không có ai hỏi mua. Quan sát hàng hóa chỉ vài ba mẫu đơn điệu, không có mẫu mới. Hầu như là hàng cũ từ trước Tết, giá giảm chỉ còn từ 110.000 – 220.000 đồng/đôi.
Nơi bán livestream toàn mẫu cũ qua mùa, không có hàng mới nên không thu hút được khách |
Tương tự, trong nhóm livestream bán hàng có gần 28.000 thành viên, trong ngày 23/2 chỉ có duy nhất một người bán phát sóng trực tiếp bán đồ bộ. Mặc dù rao “giá chỉ 20.000 – 50.000 đồng/bộ, fan cứng miễn phí ship” nhưng cũng không có khách nào bình luận, hỏi mua.
Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ hàng loạt các lô hàng, chủ yếu là thời trang (quần áo, giày dép), mỹ phẩm... từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, phần lớn nguồn hàng từ Trung Quốc. Điểm đến của nhiều lô hàng này là các đầu mối bán hàng qua mạng theo hình thức livestream. Thêm vào đó, việc tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa dọc biên giới... cũng khiến nguồn hàng Trung Quốc về Việt Nam bị gián đoạn.
Chị Thu (37 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) thường mua hàng livestream cho biết, từ sau dịch COVID-19 bùng phát, chị mua sắm online nhiều hơn do ngại ra ngoài mua hàng trực tiếp vì sợ có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chị chỉ mua những sản phẩm cần thiết, nhất là nhu yếu phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân, gia đình...
“Tôi mua hàng ở một số trang bán hàng uy tín, có nhiều sản phẩm để lựa chọn; còn một số trang facebook cá nhân rao bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không yên tâm chất lượng. Chưa kể, phần lớn hàng hóa livestream thời gian gần đầu toàn là hàng tồn, mẫu cũ; không có nhiều hàng mới. Mấy trang chuyên bán hàng Quảng Châu, Trung Quốc ế nhẹm”, chị Thu chia sẻ.
Chủ shop quần áo trẻ em Thanh Tuyền, đường Quang Trung, quận Gò Vấp cho biết, từ sau Tết gần như đóng cửa hàng vì không có khách mua, thậm chí khách ghé xem hàng cũng không có. Để đẩy hàng tồn bán mùa Tết còn, chị livestream nhưng lượt khách xem ít quá, không hiệu quả nên chị ngưng luôn.
Theo chị Tuyền, thông thường thời điểm sau Tết cửa hàng đã nhập hàng về chuẩn bị bán cho cao điểm hè, nhưng hiện các đầu mối sỉ đều trả lời giống nhau là chưa biết khi nào có hàng trở lại, do nguồn quần áo trẻ em từ Quảng Châu, Trung Quốc tạm ngưng mua – bán. Các xưởng may bên Trung Quốc gần như đóng cửa, ngưng sản xuất nên không có hàng. Ngay cả các các ty chuyên sản xuất quần áo trẻ em trong nước cũng thông báo “chưa có hàng” vì bị tắc khâu nguyên phụ liệu với nhân công về quê rồi nghỉ luôn do sợ dịch.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, việc chậm trễ của các hoạt động xuất nhập khẩu do sự bùng phát của COVID-19 đang tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp và người bán hàng trong khâu sản xuất, phân phối và dự trữ hàng hóa.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, không chỉ người dân thành thị mua sắm trực tuyến nhiều mà ngày càng có nhiều người dân ở tỉnh, nông thôn cũng mua hàng online nhiều hơn.
Nhờ đó, trong năm 2020, thị phần thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tăng lên do tính tiện lợi và việc ít tương tác trực tiếp khi mua hàng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian này. Tuy nhiên, để thu hút và tạo được niềm tin cho người mua, hàng hóa phải phong phú, đa dạng; đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và dịch vụ giao hàng, bảo hành, chăm sóc khách hàng tốt.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)