Không ai ăn được gạo nếp ngày 3 bữa
Tại cuộc họp với các cơ quan ban ngành cùng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiều 18/11, Bộ trưởng NN-PTNT cho biết, 3 năm gần đây bàn về ngành chăn nuôi lợn thì có 2 lần lạnh, 1 lần nóng. Trong đó, năm 2017 và 2018 là hai lần lạnh dài ngắn khác nhau, song với sự đồng lòng chúng ta chế ngự được tình hình, giữ được cục diện ngành chăn nuôi.
Lần này nóng đặc biệt vì dịch tả lợn châu Phi. Theo Bộ trưởng, đây là dịch bệnh lịch sử với ngành chăn nuôi lợn thế giới, đặc biệt là với Việt Nam. Từ tháng 2 đến nay, dịch bệnh đã lan khắp 63 tỉnh thành phố.
“Chúng ta đã cố gắng nhưng không thể làm gì được. Trên thế giới 28 nước có dịch bệnh, xung quanh Việt Nam 14 nước”, ông Cường nhấn mạnh.
Việt Nam đang bước vào mùa tiêu dùng thịt lợn lớn nhất năm, trong khi giá lợn tăng phi mã |
Bộ trưởng cho biết, tính đến nay tổng thiệt hại là vô cùng lớn. Chúng ta đã phải tiêu hủy 5,88 triệu con lợn, tương đương khoảng 337.000 tấn thịt, chiếm 8,8% tổng sản lượng thịt lợn của cả nước.
Song, thời gian gần đây, dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát và đang có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt, ngay từ khi xuất hiện dịch, Bộ đã có kế sách chủ động nguồn thực phẩm từ gia cầm, thủy sản, đại gia súc. Và điều đáng mừng là những nhóm sản phẩm đó đều tăng trưởng tích cực.
“Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là chúng ta đã mất 8,8% sản lượng thịt lợn vì dịch bệnh. Trong khi nước ta đang bước vào mùa cỗ lớn, mùa tiêu dùng thịt nhiều nhất năm. Vậy làm thế nào để tăng đàn, bù đắp được thiếu hụt?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, nguồn cung những nhóm thực phẩm khác tăng mạnh, nhưng dân Việt có thói quen ăn thịt lợn, loại thịt này chiếm tới 67% thực phẩm trong cơ cấu bữa ăn nên việc thay đổi khẩu vị thói quen không phải “một sớm một chiều”. “Nó giống như kiểu chúng ta quen ăn gạo tẻ chứ không ai ăn được gạo nếp ngày 3 bữa”, ông Cường nói.
Lợn vẫn ồ ạt vượt biên sang Trung Quốc
Dù nguồn cung lợn được các địa phương khẳng định vẫn khá dồi dào, không thiếu, song lãnh đạo các địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang thừa nhận rằng giá lợn hơi xuất đã tăng lên mốc 75.000-76.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cũng cho hay, bình quân giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên 70.000 đồng/kg, thịt ba chỉ tại chợ tăng lên 200.000 đồng/kg. Theo ông, giá lợn tăng do yếu tố trung gian rất lớn.
Ông phân tích, tại TP.HCM, người bán lẻ bán ít hơn thì phải bán tăng lên. Trước đây, một ngày TP.HCM tiêu thụ 9.500-10.000 con lợn, hiện chỉ tiêu thụ khoảng 8.000-8.500 con, giảm 15%.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành, doanh nghiệp bàn giải pháp ổn định nguồn cung thịt lợn trong 2 tháng cuối năm |
“Do sụt giảm lượng bán nên người bán lẻ phải bán tăng giá lên để bù đắp chi phí”, ông Trung nói.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP, thừa nhận, giá lợn tăng lên quá cáo gây ra bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi, nhiều người nông dân tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại.
Giá cao còn có khả năng nhập khẩu thịt lợn về nhiều, phá vỡ quy hoạch của Bộ NN-PNT mấy chục năm qua, chưa kể việc nhập khẩu thịt lợn sẽ làm tăng nguy cơ thêm mầm bệnh vào trong nước.
Ông Tuấn cũng cho biết, đang có tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, cả lợn thịt và lợn giống (loại lợn 10-30kg). Theo đó, Bộ cần quyết liệt ngăn chặn vấn đề này, bởi, nếu để tiếp diễn có thể gây ra thiếu lợn trong thời gian tới.
Riêng về vấn đề nguồn cung, theo đại diện của CP, giải pháp trước mắt chính là kéo dài thời gian nuôi, theo đó lượng thịt cung ra thị trường sẽ tăng nhanh nhất. Cụ thể, trước kia nuôi lợn khoảng 26 tuần thì đạt 90-100kg đã xuất chuồng, nay kéo dài thời gian nuôi lên lên 30 tuần, trọng lượng lợn sẽ đạt 120-130 kg/con. Như vậy, nguồn cung có thể thêm khoảng 30% trong thời gian ngắn.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, khẳng định nguồn cung không thiếu. Song đang có sự chênh lệnh giá khá lớn giữa các địa phương.
Ông Lương cho rằng cần tháo lưu thông, đưa lợn từ chỗ giá thấp đến chỗ giá cao để hạ nhiệt bớt giá lợn. Đồng thời, khuyến khích những hộ chăn nuôi đủ điều kiện thì nên tái đàn.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, có thông tin thị trường chính xác. Bởi tính cả trước mắt và về lâu dài, nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:
Tâm An