Bộ Công Thương xử lý vụ lộ đề thị công chức tại Cục Quản lý thị trường vừa chậm trễ, vừa vẫn nương nhẹ đối với các cá nhân vi phạm.

Làm lộ bí mật nhà nước

Trao đổi với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn nói: "Đề thi công chức là tài liệu mật của Nhà nước nên phải được đảm bảo bí mật theo đúng quy định. Khi có sai phạm trong việc tổ chức thi tuyển công chức như vậy thì Bộ Công Thương phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh. Nguyên tắc xử lý là sai đến đâu thì xử lý đến đó, đúng pháp luật. Nếu cá nhân nào có hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần kiến nghị truy cứu".

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói: "việc xử lý như vậy vẫn chưa đầy đủ".

Ông phân tích: "Việc lộ đề thi không phải chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả Hội đồng thi. Bộ Công Thương cần xem xét kỷ luật cả Hội đồng thi bao gồm tất cả các thành viên tham gia Hội đồng thi, làm rõ trách nhiệm và mức độ vi phạm của từng người. Trong thông báo của Ban cán sự chưa đề cập đến việc xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng thi".

{keywords}
Ông Nguyễn Sỹ Cương

Ông Trịnh Văn Ngọc khi đó là Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hiện đang nắm giữ quyền Cục trưởng Cục này.

"Trước đó, Bộ Công Thương có ra thông báo về hình thức kỷ luật của Hội đồng kỷ luật đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng pháp chế và ông Nguyễn Đức Lê, Phó Phòng nhưng lại do ông Trịnh Văn Ngọc ký là chưa đúng vì ông Ngọc là Phó chủ tịch Hội đồng và không thể không có trách nhiệm gì", ông Cương nói.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương từng e ngại, trong công tác tuyển dụng, đã có chuyện ở các tỉnh cũng bị lộ đề thi, huỷ kết quả thi dẫn tới, các thí sinh trúng tuyển, thi đúng quy định kiện lại.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương thì: "Không có cơ sở để khẳng định đề thi đã bị lộ đến đâu, đến đối tượng nào. Nhưng khi lộ đề, kỳ thi đó là kỳ thi vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng thì phải huỷ bỏ. Mặc dù có thể có những thí sinh thi và trúng tuyển bằng năng lực thực sự nhưng buộc phải chấp nhận rủi ro này, vì chúng ta cần phải xử lý cái lớn hơn".

Trong quá trình tuyển dụng, không có điều luật nào cấm người nhà của các vị lãnh đạo đi thi công chức vào nơi mình đang công tác. Vấn đề cốt lõi là kỳ thi phải công khai, minh bạch, nghiêm túc, đúng quy định.

Bên cạnh đó, ông Cương cho rằng các vi phạm của kỳ thi có dấu hiệu vi phạm làm lộ bí mật nhà nước mà việc này cần được điều tra làm rõ.

{keywords}

"Bộ Công Thương cũng đã xử lý quá chậm trễ vấn đề này. Theo tôi được biết, vụ việc được phát hiện từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, Bộ Công an cũng đã có văn bản thông báo tới Bộ Công Thương và kiến nghị xử lý các cá nhân vi phạm, nhưng cho đến nay mới tiến hành xử lý", vị Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật nói thêm.

Còn nương nhẹ sếp lớn?

Điểm khiến các ý kiến băn khoăn nhất hiện nay là trường hợp ông Chủ tịch Hội đồng thi, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.

Cũng theo vị chuyên gia về pháp luật này, "Thực ra, khi để xảy ra chuyện tiêu cực như vậy, người đứng đầu vừa là Chủ tịch Hội đồng thi, vừa là Cục trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, không thể chỉ là kiểm điểm, huỷ bỏ hết các danh hiệu thi đua. Bên cạnh đó còn phải xem xét kỷ luật về Đảng".

Ông đánh giá: "Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương cần có kiến nghị tới Ban tổ chức Trung ương Đảng xem xét lại về mặt phẩm chất, đạo đức của ông Nam. Vì cơ quan Trung ương Đảng đã luân chuyển ông Nam đi làm lãnh đạo của tỉnh Cần Thơ trong bối chưa biết hoặc chưa phát hiện vi phạm".

"Tôi cho rằng, nếu làm triệt để, có thể cơ quan Đảng cũng cần phải thu hồi tất cả quyết định luân chuyển cán bộ đó. Vì không thể luân chuyển một cán bộ rồi giới thiệu bầu cử vào vị trí chủ chốt của một thành phố trực thuộc trung ương một cán bộ có phẩm chất như vậy", ông Cương nói.

Liên quan cụ thể trường hơp vị cán bộ này, thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn bày tỏ: "Cán bộ có vi phạm, thuộc cấp nào thì cấp đó phải xem xét, xử lý. Ví dụ, cán bộ khi có vi phạm là đương chức Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thuộc thẩm quyền quản lý của Ban cán sự Đảng bộ và Bộ trưởng Bộ Công Thương thì sẽ do Ban cán sự Đảng bộ và Bộ trưởng xem xét, xử lý. Tuy nhiên, khi cán bộ đã được luân chuyển đi công tác ở nhiệm vụ, vị trí thuộc cơ quan khác thì thẩm quyền quản lý, xem xét là của Ban Bí thư Trung ương Đảng".

"Tôi cho rằng ý kiến nói Bộ Công Thương cần kiến nghị tới Ban tổ chức Trung ương về vấn đề vi phạm của ông Nam cũng là phù hợp. Tôi chắc là trong việc này, Ban tổ chức Trung ương Đảng cũng sẽ xem xét", ông Tuấn nói.

Phạm Huyền