Các chuyên gia đã gợi ý chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cần kiềm chế và cảnh giác nhằm tránh làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn về Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối.

Trong bối cảnh có các dấu hiệu mâu thuẫn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng Washington yêu cầu Hàn Quốc chi trả thêm cho Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), các chuyên gia đã gợi ý Mỹ cần kiềm chế và cảnh giác nhằm tránh làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, điều có thể ngăn cản nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên.

{keywords}

Chuyên gia quốc phòng cấp cao Bruce Bennett thuộc Tập đoàn Rand cho rằng ông Trump đang cố khiến Seoul “nhận ra Hàn Quốc cần đầu tư nhiều hơn (trong lĩnh vực quốc phòng)”.

Ông Bennet nhận định: “Ông ấy (Tổng thống Trump) đang cố làm cho họ cảm thấy rằng thực tế những người đóng thuế Mỹ đang chi trả một khoản tiền khủng khiếp để hỗ trợ Hàn Quốc”, và quan hệ này cần cân bằng.

Ông cũng cho hay: “Một cách lý tưởng, điều mà Hàn Quốc sẽ muốn làm là mua khẩu đội THAAD để bảo vệ khu vực Seoul, trong khi Mỹ bảo vệ khu vực xung quanh Busan”.

Trong khi đó, một số nhà phân tích gợi ý rằng, chính quyền Tổng thống Trump nên tránh những chỉ trích về các đóng góp của Hàn Quốc đối với lĩnh vực quốc phòng của nước này. Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế, ông Douglas Paal cho hay yêu cầu chia sẻ chi phí của ông Trump là “một cơn bốc đồng”.

Ông Paal cảnh báo yêu cầu của ông Trump đối với việc triển khai THAAD có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5 tới, đồng thời cho rằng điều này có thể ngăn cản nỗ lực của Washington đối với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh: “Một mối quan hệ Mỹ - Hàn yếu ớt sẽ là dấu hiệu cho Trung Quốc, Nga và ngay cả Nhật Bản thấy rằng có điều gì đó không chặt chẽ về chính sách của chúng ta, khiến các nỗ lực đưa tất cả các quốc gia tiến hành gia tăng áp lực lên Triều Tiên sẽ ít thành công hơn”.

Giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei cũng lưu ý việc liên minh Mỹ - Hàn bị đặt dưới sự căng thẳng nghiêm trọng cũng có thể gửi một thông điệp về sự chia rẽ và yếu ớt tới Triều Tiên, nước vốn “rất giỏi trong việc khai thác sự chia rẽ giữa các quốc gia láng giềng”.

Theo Baotintuc