Một cửa hàng sản xuất và kinh doanh bánh oản nghệ thuật tại Hà Nội có nhiều đơn đặt hàng hơn trong dịp tháng 7 Âm lịch.
Trước đó, vào những ngày cận kề mùa báo hiếu Vu lan, xưởng này sản xuất lên tới 100 đơn hàng mỗi ngày. Không chỉ rằm tháng 7, vào dịp lễ, Tết, đội ngũ nhân viên làm việc không ngừng nghỉ.
Anh Ngọc Anh (giám đốc) cho biết anh tham gia vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất oản nghệ thuật từ năm 2018. "Đặc thù của mặt hàng này, khi sản xuất phải cẩn thận trong việc chọn nguyên liệu như dùng trái cây và gạo tự nhiên. Ngay cả việc làm khuôn bánh cũng cần tinh tế", anh nói.
Vật liệu trang trí cho oản nghệ thuật được lấy cảm hứng từ những ngôi đền, tháp cổ kính, ở ngoài đính kim tuyến, lá cây, hạt ngọc, bên trong chủ yếu là gạo nếp cái hoa vàng, nước hoa bưởi và đường. 
Mỗi nét thiết kế, màu sắc trên bánh oản nghệ thuật đều chứa đựng những câu chuyện tượng trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.
Về hình thức trình bày oản nghệ thuật có khá nhiều mẫu mã. Hai loại chủ đạo trong ảnh là oản thỏi vàng và oản trái đào.
Mâm oản trái đào kích thước bán kính 36cm, nặng 3kg, giá thành 1,4 triệu đồng, được lấy ý tưởng từ quả đào tiên, mang ý nghĩa trường tồn, trường thọ.
Mâm oản mô phỏng tháp Báo Thiên cao 50cm, rộng 45cm, trọng lượng 4kg, giá thành 2,2 triệu đồng, thành phần chủ yếu gồm đường và bột tinh luyện. Sản phẩm này phù hợp để dâng lên tổ tiên và cầu nguyện những điều thiêng liêng và tốt đẹp. 
Giá của oản nghệ thuật tại đây có giá từ 200.000 đến 6 triệu đồng tùy loại, có thể bảo quản từ 6 đến 12 tháng.
Chị Đỗ Anh (Long Biên, Hà Nội) không ngại mưa gió đi gần 20km đến đơn vị này để mua bánh oản nghệ thuật. "Tôi hay đi lễ hàng năm, lần nào cũng mua. Loại oản nghệ thuật đẹp, dễ trang trí đồ lễ, tạo sự trang trọng", chị chia sẻ.