Tại hội nghị thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội) tổ chức ngày 3/9, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, cho rằng một vấn đề có liên quan là tính độc lập của hệ thống kiểm định.

"Đã có rất nhiều học giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu bày tỏ sự nghi ngờ sự "độc lập" thực sự của các trung tâm kiểm định của Việt Nam. Mặc dù trên danh nghĩa hệ thống kiểm định của Việt Nam được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ, nhưng thực sự hệ thống kiểm định của Việt Nam hiện nay gần như do Bộ GD-ĐT kiểm soát tuyệt đối - từ các tiêu chuẩn kiểm định, phương pháp thực hiện, thẩm quyền thành lập các trung tâm kiểm định, nội dung đào tạo thẩm quyền cấp thẻ kiểm định viên, và kế hoạch triển khai kiểm định… được thực hiện thông qua cơ quan chuyên trách của Bộ là Cục Quản lý chất lượng giáo dục"- TS Phương Anh nói.

{keywords}
Hội nghị thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội) tổ chức (Ảnh: LP)

Theo TS Phương Anh, bên cạnh đó, đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của trường đại học, với sự phụ thuộc rất lớn về tài chính và nhân sự. Chính dự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học.

"Các chính sách khen thưởng và xử phạt không rõ ràng và các quy định trong văn bản không được áp dụng trong thực tế. Theo luật định, việc kiểm định định kỳ là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học phải công khai kết quả kiểm định để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Tuy nhiên, sau khi được kiểm định, câu trả lời cho câu hỏi "liệu một trường đại học có được tự chủ hơn, tự do hơn và có nhiều ngân sách hơn để duy trì chất lượng hay không" vẫn tiếp tục là sự im lặng"- lời TS Phương Anh.

TS Phương Anh cho rằng, do chính sách khen thưởng và xử phạt không được áp dụng, nên sự tuân thủ cũng như mối quan tâm của các trường đối với việc kiểm định đã bị giảm sút. Ngoài ra, sự thiếu hài lòng với chất lượng của các báo cáo đánh giá ngoài và sự thiếu tin tưởng vào năng lực của các đánh giá viên đã làm giảm giá trị các trường không mấy tin rằng kiểm định là một công cụ hữu ích để nâng cao chất lượng.

Cũng theo bà Phương Anh, hiện nay còn có sự thiếu ổn định của hệ thống kiểm định tại Việt Nam, đặc biệt là về quan điểm thực hiện. Cụ thể, hệ kiểm định đại học của Việt Nam ra đời với sự trợ giúp của quốc tế và được xây dựng theo một số mô hình đã tồn tại ở các nước phát triển, trong đó để lại dấu ấn rõ nét nhất là mô hình của Mỹ với sự pha trộn của mô hình châu Âu (Hà Lan). Tuy nhiên, việc lựa chọn này mới nhìn vào khía cạnh kỹ thuật của kiểm định mà không lưu ý đầy đủ đến những đòi hỏi về văn hóa quản lý..

"Sự bất ổn này thông qua sự thay đổi liên tục về các bộ tiêu chuẩn kiểm định và cách thức thực hiện đánh giá. Bộ tiêu chuẩn đầu tiên, được xây dựng với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế, đưa ra ba mức kết quả khác nhau (hai mức đạt - mức 1 và mức 2 - và một mức không đạt). Sau khi áp dụng thí điểm trong vòng 3 năm với 20 trường đầu tiên, bộ tiêu chuẩn này đã được điều chỉnh theo sự góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước để chỉ còn hai mức đạt (có 80% tiêu chí đạt trở lên) hoặc không đạt. Nhưng cách làm mới dường như cũng không đem lại kết quả, vì thế một lần nữa quyết định thay đổi bộ tiêu chuẩn, lần này sử dụng bộ tiêu chuẩn AUN-QA với rất nhiều khác biệt so với bộ tiêu chuẩn cũ. Và lại quay về cách đánh giá với nhiều mức độ khác nhau, lần này có thang điểm lên đến 7 mức"- TS Phương Anh dẫn chứng.

PGS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong gần 15 năm qua, cần ghi nhận ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm định, về thiết lập thể chế cũng như triển khai thực tế. Tuy vậy, công tác kiểm định còn hơi nóng vội vì chưa chú ý đến đảm bảo chất lượng bên trong đã làm ngay đảm bảo chất lượng bên ngoài là kiểm định.

"Chúng tôi đi kiểm định các trường, cấp chương trình thì thấy rất đau lòng về công tác đảm bảo chất lượng bên trong. Ở nhiều trường, nhiều thầy cô không rành, không hiểu, không làm được về chuẩn đầu ra. Điều này là gay go vì dù chi tiết nhỏ nhưng công tác đảm bảo chất lượng bên trong rất quan trọng lại chưa biết mà cứ chạy theo các mục tiêu khác"- ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, hiện nay các trung tâm kiểm định chất lượng, trong tình trạng vàng thau lẫn lộn. Thậm chí còn có hiện tượng "bao đậu", trung tâm đến kiểm định thấy trường thiếu minh chứng còn bày cho cách đạt. Còn kiểm định viên chê các trường không biết chuẩn đầu ra, không có kỹ năng thái độ nhưng thực tế chính kiểm định viên cũng không có.

PGS Nghĩa dẫn chứng, cụ thể như mảng phục vụ cộng đồng, trường đã cấp cơ sở giáo dục hay chuẩn đầu ra trường đã cấp chương trình vẫn chưa được quán triệt sâu sắc.

Trong khi đó, khi VietNamNet đặt thêm câu hỏi về vấn đề tính độc lập của trung tâm kiểm định, PGS.Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng, các trung tâm kiểm định là hoàn toàn độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, với quy trình chặt chẽ. Các trung tâm do Bộ GD-ĐT thành lập, bổ nhiệm giám đốc, hội đồng hoàn toàn theo quy định của Bộ.

"Các trung tâm là tạm thời đặt tại các trường chứ không phải của các trường. Các đại học không can thiệp vào quy định của các trung tâm, chỉ hỗ trợ hạ tầng, tài chính để các trung tâm tồn tại. Không thể nói trường này đi đánh giá trường kia, vì đoàn đánh giá bao gồm nhiều người từ nhiều trường khác nhau, hội đồng kiểm định cũng vậy"- ông Nghĩa nói.

Theo thống kê, hiện tại cả nước có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - trường ĐH Vinh, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm kiểm định giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Kiểm định giáo dục - Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam và Trung tâm Kiểm định giáo dục ĐH Đà Nẵng.

Lê Huyền

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Việt Nam bắt đầu triển khai KĐCL năm 2005, dù chậm hơn một chút nhưng không phải là quá trễ. Tuy nhiên, 12 năm mới hoàn thành vòng đầu thì đã tụt hậu.