Từ ngày 6/1 tết Nguyên đán (30/1 dương lịch) cho đến nay, 2 con gái của chị Thanh Hoài (ở một chung cư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa đi ra khỏi căn hộ của gia đình.
Các con được nghỉ học, gia đình chị chuyển sang ‘cuộc sống online’ để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh.
‘Chúng tôi không đi chợ truyền thống, tất cả thực phẩm tươi sống đều được mua theo hình thức online. Để hạn chế tiếp xúc nhiều lần với người giao hàng, chúng tôi cũng mua theo số lượng lớn, ăn được trong nhiều ngày’.
Số thực phẩm do chị Hoài mua theo hình thức online. Ảnh: NVCC |
Theo đó, đầu tháng, chị Hà gọi điện cho một cửa hàng chuyên bán gà để mua 60 con gà (giá 150 nghìn đồng/kg). Tủ lạnh nhà chị chỉ chứa được khoảng 30 con, số còn lại chị gửi nhờ nhà em trai ở gần đó.
Với các loại hải sản (tôm, cá, mực…) và thịt lợn chị cũng gọi cho một cửa hàng hải sản và cửa hàng thịt sạch đưa đến tận nhà.
Các nhu yếu phẩm khác như kem đánh răng, giấy vệ sinh… chị cũng xuống siêu thị, ngay dưới chân tòa nhà để mua.
‘Ngày trước, gia đình chồng tôi ở quê có vườn rau nên khoảng 10 ngày ông, bà lại gửi cho chúng tôi một chuyến đủ các loại rau, củ, quả… Nhưng hiện tại, do dịch bệnh, ngại ra bến xe đông người nên chúng tôi sẽ mua rau do những người trong cùng tòa nhà bán’, chị Hoài cho biết thêm.
Chị Hoài cũng chia sẻ, nhiều người ở nhà nên chi phí ăn uống của gia đình chị tăng lên. Theo đó, chị vừa chi 20 triệu đồng để mua thực phẩm dùng trong khoảng 1 tháng, hạn chế việc ra chợ nhiều lần. Bên cạnh đó tiền điện cũng tăng khi tháng vừa rồi gia đình chị hết 2,5 triệu đồng.
Bù lại, gia đình chị tiết kiệm được nhiều khoản khác. Cụ thể, chị Hoài hạn chế việc mua sắm quần áo, giày dép… do lo ngại việc gặp người bán hàng. Thay vào đó, chị chỉ mua những thứ thiết yếu dùng cho cuộc sống. Ngoài ra, các chi phí xăng xe, tiền cà phê, ăn uống ở nhà hàng… cũng được cắt giảm.
‘Ngày trước, tôi tốn một khoản không nhỏ cho xăng xe (ô tô cá nhân) nhưng nay đổ một bình xăng mãi chưa thấy hết’, chị Hoài nói thêm.
Không chỉ về nguồn cung thực phẩm, tất cả các nhu cầu, dịch vụ khác đều được chị Hoài chuyển sang chế độ ‘online’.
Từ ngày các con nghỉ học, gia đình chị mua thêm máy in để in bài do cô giáo gửi cho các con làm tại nhà.
‘Với con gái đang học mẫu giáo, tôi phải tạo các trò chơi như làm thủ công, chơi cá ngựa, trốn tìm… cho con đỡ nhàm chán khi không được ra khỏi nhà’, chị Hoài nói thêm.
Tương tự, gia đình chị Lê Thị Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cũng chuyển sang hình thức mua sắm, giao dịch online. Qua điện thoại, chị Ngọc mua thực phẩm tại một nông trại quen ở Hòa Bình với số lượng lớn để hạn chế việc đi chợ, siêu thị. Sau đó, chị thanh toán tiền qua tài khoản để hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt và thực phẩm sẽ được mang đến tận nhà.
Chị Ngọc mua gà và rau từ nông trại. Ảnh: NVCC |
Trước đây, chị thuê người giúp việc theo giờ vào thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Ngoài ra, một tháng, gia đình chị cũng thuê người đến dọn nhà một lần nhưng hiện tại các dịch vụ này đều bị cắt do lo ngại việc người lạ xuất hiện tại nhà.
‘Chúng tôi thường có thói quen ăn nhà hàng, uống cà phê vào cuối tuần nhưng nay tất cả đều chuyển sang hình thức gọi đồ online. Suốt cả tháng nay, chồng tôi là dân kinh doanh nên phải đi làm, còn mẹ con tôi chưa ra khỏi nhà lần nào. Ông xã tôi còn nói vui: ‘Chắc phải gọi nhà mình là ‘gia đình online’ mất’, chị Ngọc vui vẻ cho biết.
Ngoài các hộ gia đình, nhiều chủ cửa hàng cũng chuyển sang kinh doanh online để phù hợp tình hình khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều cửa hàng ăn đã chuyển sang hình thức giao cơm văn phòng tận nơi để đối phó tình trạng người dân ngại đến cửa hàng. Ảnh: NVCC |
Anh Lê Đức Dũng (SN 1988, Hà Nội) là chủ một cửa hàng chuyên lẩu (buổi tối) và cơm văn phòng (buổi trưa) tại Thái Hà (quận Đống Đa). Trước đây, cửa hàng đông khách, anh mở 2 chi nhánh (giá thuê mặt bằng là 12 và 30 triệu đồng/nơi) tuy nhiên do khó khăn chung nên anh đã phải đóng cửa một chi nhánh.
‘Ngày trước, chúng tôi bán khoảng 120 suất cơm văn phòng/buổi trưa và không có thời gian để bán online thì nay vắng khách ăn tại quán hơn. Trước tình trạng khách ngại đến quán ăn, chúng tôi chuyển sang hình thức giao cơm tận nhà, để đẩy doanh số lên. Hiện, mỗi buổi trưa chúng tôi bán được khoảng 80 suất’, anh Dũng cho biết.
Anh thừa nhận, lợi nhuận không thể như trước đây do mất thêm các chi phí ship hàng nhưng đây là một chính sách bắt buộc để các cửa hàng ăn vượt qua thời điểm khó khăn.
Cô dâu Hải Phòng hoãn cưới, hàng xóm xúm vào ‘giải cứu’ 75 mâm cỗ
Chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, số thực phẩm để làm hàng chục mâm cỗ đã được bà con, hàng xóm ‘giải cứu’ thành công.
Ngọc Trang