Sâm Ngọc Linh vừa được công nhận là sản phẩm quốc gia. Theo một số chuyên gia, sâm Ngọc Linh thuộc hàng quý nhất trên thế giới và có giá trị kinh tế cao.
Cùng với cà phê, tôm nước lợ, sâm Ngọc Linh vừa được công nhận là sản phẩm quốc gia. Thông tin trên được Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ. Đây là một sự kiện ý nghĩa trước thềm Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017.
Loại sâm quý hiếm hàng đầu thế giới
Cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê ở đới độ cao 1.800 thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào.
Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.
Các nhà khoa học đã xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
Hiện trên thế giới chỉ có Việt Nam có sâm Ngọc Linh. Cả nước chỉ có 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tại 2 tỉnh cũng chỉ có 3 huyện với 9 xã là Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum) là có sâm Ngọc Linh.
Hơn 500 gốc sâm Ngọc Linh giá trị hàng trăm triệu đồng ở huyện Nam Trà My bị mất cắp. |
Nhiều người đã mang sâm Ngọc Linh đi nơi khác trồng ở các vùng khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng, cây sâm vẫn không phát triển. Như vậy có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.
Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số tại Trung Trung bộ Việt Nam. Dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Trong kháng chiến, sâm Ngọc Linh đã từng được đồng bào sử dụng để trị vết thương, sốt rét, cảm hàn,… cho bộ đội.
Giá trị kinh tế cao và cuộc đua săn tìm
Từ khi biết được cây thuốc quý có giá trị kinh tế, nhiều người lên núi tìm khiến sâm Ngọc Linh để buôn bán khiến trữ lượng ngày càng khan hiếm. Một số người dân Xê Đăng đem trồng trong vườn ở trên đỉnh núi. Hiện giá bán loại rẻ nhất khoảng 40 triệu đồng một kg, loại nhiều năm tuổi giá cao gấp nhiều lần.
Khoảng đầu năm 2017, dư luận xôn xao về việc một người dân tại huyện Trà My (Quảng Nam) bán củ sâm Nam lấy ngoài tự nhiên đưa về vườn trồng ước hơn 30 năm tuổi, với giá 430 triệu đồng. Theo đó chủ sâm trên được coi là quý hiếm với 4 nhánh, chiều dài khoảng 30 cm.
Giữa năm 2016, dư luận xôn xao việc anh Hồ Văn Chiêu, trú tại làng Tu Ton, thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã bán trao tay củ sâm 100 năm tuổi cho một đại gia bất động sản ở Sài Gòn với giá 250 triệu đồng, tương đương khoảng 12.000 USD.
Theo đó củ sâm Ngọc Linh có tuổi thọ đặc biệt quý hiếm với hơn 100 năm tuổi. Củ sâm có cân nặng gần 1 kg là một trong những củ sâm có giá trị kinh tế lớn nhất trong lịch sử.
Hiện tại, Lễ hội sâm Ngọc Linh được tổ chức lần đầu tại Quảng Nam cũng thu hút hàng chục đại gia săn tìm loại sâm quý. Nhiều củ sâm quý, rượu sâm thu hút rất nhiều khách hàng.
Ngay chiều 10/6 vừa rồi, một cây sâm Ngọc Linh kèm củ hơn 10 năm tuổi, nặng hơn 4 lạng đã được một người dân Nam Trà My bán cho khách với giá 120 triệu đồng.
Giá trị sâm cao, nhiều người săn tìm khiến nạn làm “sâm giả” cũng tăng nhanh ở Quảng Nam, Kon Tum. Thậm chí, nhiều thương lái còn nhập sâm ở các vùng khác đến và quảng cáo là sâm Ngọc Linh rồi bán với giá cao. Hiện tượng sâm bán đổ đống tại Quảng Nam, giá rẻ, số lượng lớn đang ngày càng phổ biến.
(Theo Zing)