Tàu Lada là tàu ngầm diesel-điện thế hệ thứ tư được Viện Thiết kế hàng hải trung ương Rubin thiết kế trên cơ sở nâng cấp toàn diện từ loại tàu ngầm lớp Kilo thuộc Đề án 877, với chức năng phá hủy tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương; bảo vệ các căn cứ hải quân và bờ biển; làm nhiệm vụ liên lạc và trinh sát.

Theo thiết kế chung, tàu ngầm Lada có chiều dài 66,8m, chiều rộng 7,1m, lượng giãn nước 1.800 tấn, có thể đạt tốc độ hải trình khi lặn 21 hải lý/giờ. Tàu có độ ồn bộc lộ thấp, mức độ tự động hóa cao, có hệ thống vỏ chống phản xạ sóng âm giúp hạn chế bị phát hiện, được trang bị hệ thống sóng âm được gắn ở phần thân tàu cũng như tháp phát sóng âm. 

Tàu được lắp đặt rất nhiều ắc-quy giúp vận hành hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP). Khi được trang bị động cơ này, tàu có thể hoạt động mà không cần nổi lên trên mặt nước để lấy không khí bên ngoài, giúp con tàu có thể hoạt động trong 45 ngày và trong phạm vi 500 hải lí (khoảng 900 km). 

Tàu ngầm diesel-điện Lada. Ảnh: naval technology

Chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên là Saint Petersburg được đóng trong thời gian dài kỷ lục, 12 năm 4 tháng, từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2010, do mắc rất nhiều lỗi kỹ thuật nên cần thời gian dài để sửa chữa và hiệu chỉnh. Và do vẫn tồn tại những khiếm khuyết ở hệ thống sóng âm và hệ thống dữ liệu chiến thuật, nên chiếc Saint Peterburg chỉ được xem là mẫu thử nghiệm chứ không được biên chế trang bị vào lực lượng hải quân Nga. 

Sau một thời gian tạm dừng để điều chỉnh, hoàn thiện thiết kế, đến năm 2013, chương trình đóng mới tàu lớp Lada được nối lại với việc đóng hai con tàu Kronstadt và Velykie Luki. Trong đó, tàu Kronstadt được hạ thủy năm 2018, chiếc Velykie Luki hạ thủy năm 2021, cả hai chiếc đều được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Khác với nhiều tàu ngầm khác, mũi và đuôi tàu Lada có hình cầu. Nhờ thiết kế này, tàu nhỏ gọn hơn so với tàu lớp Kilo (lượng giãn nước chỉ bằng 75%). Khả năng tự động hóa cao với sự xuất hiện của hệ thống kiểm soát chiến đấu tự động mang tên Litiy cũng cho phép giảm số thành viên thủy thủ đoàn: thủy thủ đoàn của của tàu Kilo gồm 56 thành viên, trong khi tàu Lada chỉ cần 35 người phục vụ.

Mỗi tàu ngầm Lada được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm. Ngoài ra, tàu có thể phóng tên lửa hành trình của Kalibr và Onyx thông qua ống phóng ngư lôi và chiến đấu với đối phương bằng ngư lôi chống ngầm Squall. Để phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm đối phương, tàu được trang bị hệ thống định vị thủy âm Lira với độ nhạy rất cao. 

Thiết bị này được đặt ở 3 vị trí là mũi và hai bên thân tàu. Do đó, tàu Lada có thể liên tục theo dõi những "thợ săn dưới nước" của đối thủ. Và trong trường hợp xảy ra xung đột, tàu sẽ thực hiện những đòn tấn công chính xác và nhanh chóng để mở đường cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Điều quan trọng nhất là khả năng hoạt động yên tĩnh, do hầu như tất cả các bộ phận chuyển động của tàu đều được trang bị thiết bị bảo vệ âm thanh, giúp giảm tiếng ồn trong khi di chuyển. Ngoài ra, thân tàu cũng được bọc lớp bảo vệ dày 40mm. Do vậy, nếu như tàu ngầm Kilo được gọi là "Hố đen đại dương", thì tàu Lada được mệnh danh là "Bóng ma tàng hình" vì không ai có thể nhìn thấy hay nghe thấy tiếng tàu hoạt động.

Chính vì những tính năng vượt trội này mà tàu lớp Lada được coi là “người thay thế” xứng đáng cho tàu Kilo.

Hai con tàu Kronstadt và Velykie Luki đều được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương với chức năng nhiệm vụ chính là bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược, vốn được xem là một phần quan trọng của bộ ba hạt nhân Nga. Với chức năng nhiệm vụ này, các tàu ngầm diesel-điện nhẹ, di chuyển nhanh và ít tiếng ồn sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc tuần tra vùng biển tại những khu vực triển khai chiến đấu. 

Hiện, loại tàu ngầm diesel-điện chủ lực và duy nhất trong Hạm đội Thái Bình Dương là 7 chiếc tàu lớp Kilo, trong đó, chiếc “nhỏ tuổi” nhất trong số đó gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 1994. Vậy nên việc thay thế chúng bằng loạt tàu ngầm mới là một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược.

Giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tiếp tục lắp ráp tàu ngầm lớp Lada ngoài việc đáp ứng nhu cầu nội địa, cũng là để mở rộng khả năng xuất khẩu tàu ngầm thông thường chạy diesel-điện của Nga. Nếu các vấn đề kỹ thuật trên tàu lớp Lada được khắc phục triệt để, đây sẽ là dòng tàu ngầm có sức cạnh tranh lớn nhờ ưu thế về giá, chi phí hoạt động và hỏa lực mạnh. 

Ngoài ra, việc tiếp tục đóng mới loại tàu này cũng tạo điều kiện thử nghiệm các công nghệ mới có thể áp dụng trên tàu ngầm thế hệ thứ 5 Kalina đang được Viện Thiết kế hàng hải Rubin phát triển.

Nguyên Phong