Huy động vốn bằng “dự án ma”
Sâm Ngọc Linh được được ví như “quốc bảo” của Việt Nam, nằm trong top những loại sâm tốt nhất thế giới. Với giá bán lên khoảng 300 triệu đồng/kg, cây dược liệu này giúp nhiều nông dân ở các vùng núi Quảng Nam, Kon Tum... thu về tiền tỷ.
Lợi dụng giá trị mà cây sâm Ngọc Linh mang lại, một số đối tượng đã vẽ ra các “dự án ma” để huy động nguồn vốn khủng.
Sáng 10/11, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty do bà Phạm Mỹ Hạnh làm Chủ tịch HĐQT "nổ" mình có dự án đầu tư trồng sâm Ngọc Linh ở một số tỉnh và mang lại lợi nhuận cao. Do có nhu cầu về vốn, năm 2022, bà Hạnh và một số người đã tổ chức huy động tiền từ các nhà đầu tư kèm theo lời hứa hẹn sau 1 năm sẽ nhận cả gốc lẫn lãi, trong đó số tiền lãi hàng tháng trung bình 2,5%.
Theo đó, công ty huy động vốn của nhiều người bằng hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của bà Hạnh trong công ty.
VTV đưa tin, hàng nghìn người đã góp vốn vào dự án trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh. Tổng số tiền đối tượng huy động được trong 2 năm là 1.264 tỷ đồng. Sau khi có được số tiền khủng, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh chỉ dùng một phần tiền để trả lãi người góp vốn, còn lại đầu tư vào các dự án bất động sản và chi tiêu mục đích cá nhân.
Giữa tháng 4 năm nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum cũng khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt tạm giam với Phạm Ngọc Diễn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Nông - Công nghiệp xanh Kon Tum, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Phạm Ngọc Diễn liên tục thông tin về chủ trương được cấp dự án 100ha sâm Ngọc Linh và muốn tìm đối tác góp vốn để triển khai, mục đích để lừa các nạn nhận chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Thị trường bát nháo, sâm Trung Quốc tràn vào
Không chỉ có các “dự án ma” được vẽ ra để lừa đảo nhiều người góp vốn, thị trường hiện nay cũng la liệt hàng giả, sâm Trung Quốc giá rẻ tràn vào mạo danh sâm Ngọc Linh Việt Nam.
Dù sâm Ngọc Linh có giá tới vài trăm triệu đồng/kg nhưng trên các chợ buôn bán online, người tiêu dùng chỉ cần gõ “sâm Ngọc Linh” ngay lập tức cho ra hàng trăm kết quả về các loại sâm giá rẻ. Đa phần sâm Ngọc Linh loại 6-7 năm tuổi trên chợ online được rao bán với giá từ 1-4 triệu đồng/kg. Mức giá này còn rẻ hơn cả giá tam thất của Việt Nam.
Tương tự, hạt sâm Ngọc Linh được nhiều đầu mối rao bán giá chỉ 2,6 triệu đồng/kg với hàng nguyên bông, hạt rời giá 2,3 triệu đồng/kg. Một số đầu mối bán theo hạt, giá 3.000 đồng/hạt. Trong khi, hạt sâm Ngọc Linh Việt Nam siêu hiếm, giá lên tới 240 triệu đồng/kg.
Tại tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" mới đây, ban tổ chức cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện sâm nhập lậu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Nguy hiểm hơn, khi kiểm nghiệm sâm Trung Quốc phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép. Trong đó có cả hoạt chất BVTV đã cấm ở Việt Nam.
Theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục QLTT tỉnh Kon Tum), trên mạng xã hội bày bán tràn lan từ cây giống, hạt giống đến củ sâm. Thậm chí, các đầu mối rao bán sâm Ngọc Linh và Lai Châu giả mạo còn sử dụng hình ảnh lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, hình ảnh người nông dân trồng sâm... để bán hàng.
Đại tá Đỗ Đình Cường, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu), chỉ rõ, các đối tượng buôn lậu sâm kết nối với các chủ buôn Trung Quốc, thống nhất về mặt giá cả, vận chuyển, bỏ sâm Trung Quốc vào thùng rồi thả trôi sông ở khu vực biên giới. Đối tượng bên Việt Nam sẽ đón nhận hàng.
Các vụ bắt hàng thả trôi sông, khi đối tượng bị phát hiện sẽ không nhận, hàng thành vô chủ.
Hiện nay, với tiềm năng và giá trị mà cây sâm Ngọc Linh mang lại, nhiều địa phương coi đây là cây trồng chủ lực để người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Thừa nhận tiềm năng, lợi thế để phát triển cây sâm Ngọc Linh, song lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh nhận định, thị trường sâm đang rất bát nháo. Do đó, cần phải kiểm soát tốt các mã số vùng trồng, siết chặt tình trạng sâm Trung Quốc mạo danh sâm Ngọc Linh Việt Nam. Nếu không làm quyết liệt sẽ ảnh hưởng người tiêu dùng và thương hiệu sâm Việt Nam.
Phát triển vùng trồng sâm 21.000 ha Tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 611/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu, xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, diện tích trồng Sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha, 100% diện tích trồng Sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO hoặc tương đương. Định hướng đến năm 2045 phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới. |