Lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm chức năng “bổ phổi”, “thanh lọc”, “thải độc phổi” bùng nổ với quảng cáo như “thuốc tiên” khiến nhiều người lạc vào mê trận.
Nhiều gia đình sau khi âm tính đã lao vào tìm mua các loại thuốc bổ, có nhiều người uống cùng lúc rất nhiều thuốc bổ, đặc biệt là thực phẩm chức năng quảng cáo bổ phổi… không những tác dụng ngược mà còn có hại cho sức khỏe.
Thực phẩm bổ phổi quảng cáo như... thuốc tiên!
Khỏi COVID-19 được hơn 1 tuần, nhưng 3 mẹ con chị Nguyễn Hồng Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn ho dai dẳng, kéo dài. Lo sợ ho nhiều virus sẽ “ăn” xuống phổi, chị Nhung đã lên mạng tìm mua thuốc bổ phổi. “Khi lên mạng tôi bị hoa mắt với rất nhiều loại thuốc bổ phổi, làm sạch phổi được quảng cáo rao bán. Có nhiều loại chủ yếu là thực phẩm chức năng của nước ngoài như Úc, Mỹ, Nhật, Pháp… quảng cáo công dụng như “thuốc tiên”. Nhưng do lo lắng nên tôi vẫn chọn mua 2 loại về cả nhà uống”.
Khác với chị Nhung, anh Phạm Văn Thuận (Ba Đình, Hà Nội) khỏi COVID-19 gần 3 tuần, anh bắt đầu thấy hụt hơi, viêm họng, ho. Dù đi khám, chụp X-quang tim phổi không có tổn thương, song anh Thuận vẫn lo lắng bị hậu COVID-19. Anh lên mạng và tìm mua loại lọc phổi Nhật Tsumura với giá 1,25 triệu đồng/hộp. “Khi lên mạng tôi thật bối rối không biết mua loại nào vì có quá nhiều thuốc bổ phổi của Nhật được chào bán. Riêng Tsumura cam kết chính hãng thì cũng mỗi nơi rao một giá, dao động từ 950 nghìn đồng – 1,25 triệu đồng/hộp”, anh Thuận cho biết.
Còn chị Minh Thúy, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nghe “mách” thực phẩm chức năng Lumedi-V của Ngũ Phúc đường rất tốt cho phổi ở bệnh nhân COVID-19 nên đã tìm mua về sử dụng. Chị Thúy cho biết, giá 1 hộp Lumedi-V là 440.000đ, nhưng thấy bảo giảm ho, bổ phổi nên chị mua về uống phòng COVID-19 lan xuống phổi.
Vì sao nhiều người lại mua thực phẩm chức năng về uống để phòng hậu COVID-19? Theo chị Thúy, người nhà chị mắc COVID-19 nặng phải vào nhập viện. Sau đó chị nghe được thông tin bất cứ người nào mắc COVID-19 cũng bị ảnh hưởng đến phổi ít hay nhiều nên chị đã chi hơn 10 triệu đồng để dự trữ rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo phòng, hỗ trợ COVID-19 như tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch, thải virus, bổ phổi… “4 người nhà tôi lần lượt là F0, mỗi người uống 6-7 loại thuốc, thực phẩm chức năng một ngày. Sau khi âm tính lại uống thêm bổ phổi cho yên tâm”, chị Thúy cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, có hàng chục loại thuốc, thực phẩm chức năng “thanh lọc phổi” của Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga… được rao bán trên chợ thuốc online có giá từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Các rao bán này đều quảng cáo thực phẩm chức năng bổ phổi, thải độc phổi “thần thánh” như thuốc chữa bệnh: Chữa xơ phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, liệu trình có một không hai giúp tăng cường hệ miễn dịch…
Làn sóng Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 lây lan rất mạnh, nhất là một số người đi khám hậu COVID-19 phát hiện tổn thương ở phổi đã khiến cho nhiều người lo lắng săn lùng mua thuốc bổ phổi. Có người dùng hết số tiền trong nhà để tích trữ thuốc điều trị COVID-19, sau khi khỏi còn mua rất nhiều loại thực phẩm chức năng để thanh lọc phổi. Trong số đó phải kể đến viên uống thanh lọc phổi Healthy Care Original Lung Detox (loại 180 viên, xuất xứ Úc) nơi bán 650 nghìn đồng, chỗ 750 nghìn đồng/hộp được nhiều người lùng mua và rao bán trên nhiều trang mạng xã hội. Thực phẩm này được quảng cáo “thần thánh” như: Hỗ trợ giải độc phổi, thanh lọc, làm sạch phổi, giúp thở dễ dàng hơn, làm giảm nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến phổi; tăng khả năng kháng khuẩn cho phổi tối đa; làm khôi phục lại những tế bào bị tổn thương của phổi; hỗ trợ được nhiều bệnh liên quan đến phổi bao gồm cả ung thư…
Hay viên uống thải độc phổi Vitatree Lung Detox được quảng cáo “cho lá phổi xanh”, hỗ trợ sức khỏe phổi và hệ hô hấp, tăng đề kháng, giảm ho. Có loại Clearlungs Formula, 120 viên của Mỹ, giá bán 990 nghìn đồng được quảng cáo giúp thanh lọc phổi, tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể; hay viên bổ phổi Xtend Life Lung Support Plus được quảng cáo “bảo vệ, hồi phục sức khỏe phổi sau khi mắc COVID như giảm thở hụt hơi, tức ngực, khó thở…” có giá từ 1,5-1,7 triệu đồng/hộp; viên bổ phổi Kobayashi được giới thiệu là “tuyệt chiêu làm sạch phổi, thổi bay COVID-19” có giá từ 750 nghìn đồng - 820 nghìn đồng/hộp; viên Biogian Lung Clear của Úc, giá bán 535 nghìn đồng/hộp 60 viên cũng được quảng cáo hỗ trợ thải độc, thanh lọc phổi, loại bỏ các chất cặn bị lắng ở trong phổi, giúp bảo vệ phổi và phòng ngừa bệnh lý về đường hô hấp.
Hệ lụy từ việc uống nhiều thuốc bổ cùng lúc
Nhiều bệnh nhân COVID-19 mượn đơn thuốc của người khác về sử dụng đã trở thành câu chuyện “thường ngày ở huyện” trong làn sóng COVID-19 thứ 4 khi có hàng triệu F0 điều trị tại nhà. Theo các bác sĩ, việc lan truyền đơn thuốc trên mạng hay mượn đơn thuốc về sử dụng gây hậu quả khôn lường khi có những loại thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Theo cảnh báo của bác sĩ, có bệnh nhân COVID-19 tự mua thuốc kháng virus về uống và đã bị mất ngủ, rối loạn tâm thần do dùng quá liều. Với thuốc bổ cũng vậy, không phải uống nhiều là tốt, đặc biệt là thực phẩm chức năng mua xách tay trên mạng, không rõ nguồn gốc, cũng như công dụng, thành phần. Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Phụ trách đơn nguyên COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, lời khuyên đầu tiên cho người dân là dùng bất cứ thuốc gì cũng cần hỏi bác sĩ. Nếu có bất thường cần phải đi khám sớm để xem có tổn thương sau COVID hay không. Nếu sử dụng thì nên mua các loại thuốc chính thống được bác sĩ kê đơn để tránh tiền mất tật mang, tránh nguy hiểm không đáng có.
Còn theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ôxy Cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng thì trong quá trình tư vấn cho F0 và gặp vấn đề hậu COVID-19, BS gặp không ít bệnh nhân sử dụng đồng thời rất nhiều loại thuốc bổ gan, bổ phổi, tăng cường miễn dịch, tăng đề kháng, nghe ai nói gì mua nấy. Điều này rất bất hợp lý và hoàn toàn không cần thiết. “Hiện chưa đánh giá hết được việc dùng quá mức sẽ có hại đến đâu nhưng việc dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị”, BS Hoàng nhấn mạnh.
Qua thăm khám cho bệnh nhân, BS Trần Thu Nga, Phòng khám Y học cổ truyền cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thấy có nhiều người tự ý sử dụng thuốc Đông y, thảo dược để bồi bổ cơ thể. Nhiều người bệnh cho rằng thuốc Đông y, thảo dược là lành tính, không gây hại, nên đã nghe theo lời mách mua về uống. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm, không ít bệnh nhân men gan tăng cao, giảm độ lọc cầu thận vì dùng thuốc Đông y không đảm bảo chất lượng và không đúng liều lượng.
Tương tự, theo BS Đinh Thế Tiến, phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Bệnh nhân đến khám đều đưa một lố thuốc bổ như: bổ phổi, bổ não, bổ thần kinh, tăng cường miễn dịch… nhưng không rõ thành phần. Với những người trẻ đã tiêm đủ liều vaccine, khi mắc COVID-19 đa phần nhẹ và tự hồi phục. Nếu sau COVID-19 có những triệu chứng mệt mỏi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt hợp lý thì sẽ tự hồi phục mà không cần uống thuốc đặc biệt nào khác.
BS Tiến lo lắng khi nhiều người người bệnh đang lạm dụng thuốc, thấy bất thường là dùng thuốc mà không cần lời khuyên, tư vấn của bác sĩ. Nhiều người cứ nghe mách bổ là mua về sử dụng kiểu “thập toàn đại bổ”, vừa tốn tiền, lại tạo thói quen sức khỏe không tốt vì lệ thuộc vào thuốc quá nhiều, không lắng nghe cơ thể mình. “Thuốc bổ được bán tràn lan, tác dụng và cơ chế, độ an toàn chưa được đảm bảo, một số thuốc có thể gây hại như bổ phổi, bổ thần kinh không rõ thành phần. Người bệnh cần hết sức cảnh giác với thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng xuất xứ không rõ ràng; hoặc thuốc lan truyền trên mạng không được Bộ Y tế cấp phép”, BS Tiến cảnh báo.
BS Nguyễn Huy Hoàng thì cho rằng, người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các sản phẩm được quảng cáo bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Do vậy, nếu có dùng chỉ nên dùng 1 loại có xuất xứ rõ ràng, uy tín, không nhất thiết phải dùng loại nhập ngoại đắt tiền trong khi hiệu quả đến đâu chưa đánh giá được.
Tỉnh táo trước quảng cáo “thần thánh” trên thị trường ảo
BS Nguyễn Thu Hường cho rằng, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh vẫn ho kéo dài, ho dai dẳng và lo ngại sẽ dễ “ăn xuống” phổi, hiểu vậy là chưa đúng. Ho có nhiều nguyên nhân, có thể do viêm họng; trào ngược dạy dày - thực quản do dịch dạ dày kích thích cũng khiến bệnh nhân ho (không ít bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 còn thêm hội chứng trào ngược); tổn thương tại phổi, tại tim (bệnh nhân ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho)… Do vậy, tổn thương ở phổi có phải do COVID-19 hay không cần căn cứ kết quả xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác được. Nếu chỉ ho húng hắng vài tiếng thì không sao, nhưng ho làm bệnh nhân khó chịu, thức giấc giữa đêm, hoặc khó thở và nhiều triệu chứng khác thì bắt buộc phải vào viện thăm khám.
Theo BS Huy Hoàng, không phải cứ ho nhiều sẽ lan xuống phổi. Nhiều người đang lo lắng thái quá. Nguyên nhân do tổn thương bởi virus đối với đường hô hấp, gây sẹo nên kích thích gây ho kéo dài. Ho khan có thể điều trị đơn giản bằng việc dùng mật ong với gừng, tỏi, hoặc mật ong với chanh, quất… hoặc, có thể dùng thuốc (thuộc nhóm chống dị ứng thế hệ đầu) rất rẻ tiền và hiệu quả. Bên cạnh đó, ăn đủ chất, uống đủ nước cũng giúp giảm các cơn ho khan.
Theo các bác sĩ, nhiễm COVID-19 là do virus, do vậy không phải thanh lọc phổi. Một số trường hợp bị COVID-19 nặng, có thể để lại vết sẹo trong phổi hoặc các dãy xơ…. Những vết xơ ở phổi sẽ tự khỏi sau khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, vết xơ đó có thể làm cho bệnh nhân khó chịu, ngộp thở, không có sức khi vận động mạnh, mang khẩu trang. Và để khắc phục thì tập thở là phương pháp hiệu quả nhất, là “liều thuốc” giúp phục hồi tốt nhất cho phổi. Người bệnh cần tỉnh táo trước lời quảng cáo “thần thánh” về sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi trên thị trường “ảo”.
(Theo An ninh thế giới)