Việc sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các Bộ, ngành, địa phương có thể coi là yêu cầu số 1 để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này.
Đó là sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn mới; thống nhất với hệ thống quy định về các hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, vấn đề cốt lõi là đảm bảo được nguồn lực về tài chính và con người để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn tới, đồng thời cần sửa Nghị định 55/2011/NĐ-CP (theo hướng nâng cao trách nhiệm, trọng tâm, chuyên môn hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP);
Theo QĐ 345 của Thủ tướng về Đề án "Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2023" đã yêu cầu phải đạt được kết quả là phải có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2019/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2011/NĐ-CP.
Hiện nay, đã qua nửa năm kể từ khi có Quyết định 345, bộ Tư pháp vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng dự thảo. Dự kiến năm 2024, công tác sửa đổi và hoàn thiện 2 Nghị định trên sẽ là trọng tâm trong hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Thứ hai, trong giai đoạn 2021-2030, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa về các hình thức hỗ trợ pháp lý, về hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp và các Chương trình hỗ trợ pháp lý của các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cần phải chú trọng triển khai hoạt động truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, phù hợp với thị hiếu của doanh nghiệp. Hoạt động truyền thông phải tập trung vào hai nội dung như cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; và cung cấp thông tin về hoạt động của các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, trong giai đoạn tới, các hoạt động của Chương trình không chỉ cần đổi mới về mặt nội dung, hình thức mà còn phải mở rộng nền tảng tiếp cận.
Cụ thể, cần đẩy mạnh hoạt động của website Chương trình; tăng cường về mặt số lượng và nâng cao chất lượng các kênh truyền thông khác nhau của Chương trình; mở rộng phương thức tiếp nhận và trả lời phản ánh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư, nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; hoạt động của tư vấn viên có sức lan tỏa và được sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ pháp lý.
Thứ năm, để thành quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý có sức lan tỏa, lôi kéo được sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nội dung các hoạt động của Chương trình trong giai đoạn tới cần tập trung vào các vấn đề thiết thực, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của doanh nghiệp. Tiêu biểu, pháp luật về hợp đồng là một trong những vấn đề pháp lý được doanh nghiệp tham gia khảo sát đặc biệt quan tâm.
Thứ sáu, trong giai đoạn tới, cần phải hướng đến xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, cần phải xây dựng và triển khai một cách đa dạng, sáng tạo, có định hướng các hoạt động của Chương trình; từng hoạt động cụ thể phải được bố trí nguồn lực tài chính và con người một cách phù hợp; xây dựng, triển khai từng hoạt động cụ thể một cách thiết thực, hiệu quả, có chất lượng, đảm bảo tính bền vững, có tính liên kết với các hoạt động khác của Chương trình và thống nhất với định hướng, mục tiêu chung của Chương trình.
Được biết, Bộ Tư pháp đã đặt mục tiêu cao cho công tác này trong giai đoạn tới như: tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.