Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang nhóm họp để quyết định có thông qua một dự
thảo nghị quyết về Syria hay không trong bối cảnh có những quan điểm khác nhau
về cuộc khủng hoảng ở đất nước này.
TIN BÀI KHÁC:
Tại sao 'châu Âu' thành từ xấu trong bầu cử Mỹ
Thế giới 24h: Hoa Đông dậy sóng
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hội ý với người đồng nhiệm Anh William
Hague tại Liên Hợp Quốc ngày 31/1. (Ảnh: The Envoy)
Kế hoạch của Liên đoàn Ảrập mà Hội đồng đang bàn thảo kêu gọi một sự chấm dứt
bạo lực và yêu cầu Tổng thống Syria phải từ chức. Thủ tướng Qatar đề nghị các
thành viên Hội đồng hãy hành động chống lại điều mà ông gọi là "cỗ máy giết
người" của Bashar al-Assad.
Sự phản đối của Nga
Dự thảo nghị quyết mới - được tin là đòi Assad
chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa, người sẽ được yêu cầu
thành lập một chính phủ thống nhất với Hội đồng Quốc gia Syria đối lập và lên kế
hoạch cho các cuộc bầu cử mới hoặc đối mặt với "thêm nhiều hậu quả nữa" trong
vòng 15 ngày - không chắc được thông qua, với Nga tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ
phủ quyết văn bản ở dạng hiện nay.
Phía Nga cho rằng, bản kế hoạch trên là nhằm thay đổi chế độ và có thể dẫn tới
nội chiến.
Nga là một trong những nước bênh vực Tổng thống Assad mạnh mẽ nhất kể từ khi nhà
lãnh đạo này cố gắng dập tắt làn sóng nổi dậy bắt đầu gần 11 tháng trước. Hồi
tháng 10, Moscow bác bỏ nỗ lực đầu tiên của Hội đồng Bảo an nhằm lên án chiến
dịch trấn áp ở Syria và tỏ rất ít dấu hiệu sẽ thay đổi lập trường.
Nga sợ rằng, nghị quyết mới sẽ mở cửa cho rốt cục là một sự can thiệp quân sự,
giống như cách thức nghị quyết của Liên Hợp Quốc dẫn tới chiến dịch oanh kích
của NATO ở Libya.
Lập trường của Mỹ và một số nước
Phía Mỹ tuyên bố Tổng thống Assad "sẽ phải ra đi" và thư ký báo chí Nhà Trắng
Jay Carney kêu gọi những nước phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an hãy chấp
nhận việc lãnh đạo Syria bị hạ bệ.
Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng thế giới đang
đối mặt với một lựa chọn: đứng về phía người dân Libya hoặc đồng lõa với bạo lực
tàn ác của chế độ Assad.
"Chúng ta đều biết rằng thay đổi đang đến với
Syria", bà Clinton nói. "Vấn đề là bao nhiêu dân thường vô tội nữa sẽ chết đến
khi Assad chịu khuất phục trước điều không thể tránh khỏi, và một đất nước ông
ta để lại sẽ bất ổn đến thế nào".
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad
bin Jassim al-Thani nói rằng, tất cả các sáng kiến trước đó đều thất bại "bởi vì
chính phủ Syria không có bất kỳ một nỗ lực thực sự nào nhằm hợp tác với chúng
tôi và giải pháp duy nhất có sẵn với họ là giết chết người dân của chính mình".
"Máu tiếp tục đổ và cỗ máy giết người vẫn đang hoạt động", ông nói, đồng thời
kêu gọi các thành viên Hội đồng hãy hành động, nhưng nhấn mạnh chỉ người dân
Syria mới có thể quyết định liệu họ có muốn một sự thay đổi về lãnh đạo hay
không.
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Nabil el-Arabi khẳng định bản kế hoạch là nhằm tránh
sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Hôm 25/1, Liên đoàn Ảrập thông báo họ đã
ngừng sứ mệnh giám sát kéo dài 1 tháng qua ở Syria bởi vì bạo lực dâng cao.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói dự thảo nghị quyết đang bàn thảo là cách
"đáng tin và có thể" duy nhất để ngăn chặn "bạo lực khủng khiếp" ở Syria, đồng
thời đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình chính trị tổng thể".
Pháp cũng kêu gọi chấm dứt "sự im lặng đáng hổ thẹn" của Liên Hợp Quốc, nhấn
mạnh rằng tổ chức này phải "gánh vác trách nhiệm đối với một dân tộc đau khổ".
Trong khi đó, việc Tổng thống Assad quyết không nhượng bộ không phải là điều mới
mẻ. Từ lâu, nhà lãnh đạo này đã cho rằng, dựa vào cán cân sức mạnh trong nước và
quốc tế, ông có thể tìm được đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng trước mắt, ngay
cả khi các triển vọng lâu dài của ông rất mờ nhạt.
Assad sẽ không mấy quan tâm đến việc một nghị quyết đòi ông từ bỏ quyền lực được
Liên đoàn Ảrập đưa ra trước Hội đồng Bảo an, bởi vì kết quả đó sẽ không phản ánh
sự cân bằng lực lượng ở Syria, trong những gì đã suy chuyển thành một cuộc nội
chiến trầm trọng.
Đại diện của Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari bác bỏ các đề xuất, nói rằng
Syria đang bảo vệ an ninh nước mình và sẽ "đứng vững khi đối đầu với các kẻ
thù".
Lợi thế của Assad
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 5.400 đã thiệt mạng kể
từ khi bất ổn ở Syria bùng nổ hồi tháng 3 năm ngoái. Bạo lực dường như đang dâng
cao - với thông tin cho biết hơn 100 người bị giết chết trên toàn đất nước ngày
30/1 và ít nhất 37 người chết hôm 31/1.
Joshua Landis, một chuyên gia về Syria tại trường Đại học Oklahoma, thấy rằng có
3 lý do để chế độ Assad có thể trụ vững ít nhất một năm nữa, bất chấp tình hình
kinh tế, ngoại giao và an ninh của Syria ngày càng suy yếu.
Thứ nhất, chế độ này đã chuẩn bị cho tình huống hiện nay từ lâu, xây dựng các
lực lượng an ninh nòng cốt và bộ máy nhà nước gồm những người trung thành chi
phối các quân đoàn và các đơn vị chiến đấu quan trọng nhất.
Thứ hai, phe đối lập ở Syria bị chia rẽ về chính trị, với những bất đồng hiện rõ
giữa ban lãnh đạo của Hội đồng Quốc gia Syria ở nước ngoài và nhiều phe nhóm
cách mạng khác ở trong nước, đặc biệt là khi họ chấp nhận đàm phán với chế độ.
Quân đội Tự do Syria (FSA) cũng không trực tiếp nằm trong Hội đồng Quốc gia
Syria, và ở giai đoạn này, họ dường như dựa nhiều hơn vào các nhóm chiến đấu địa
phương mang tính tự trị. Có thể phải mất thời gian để FSA ở vào một vị trí có
thể thách thức sự đối đầu của các lực lượng chính phủ.
Các lực lượng tương đương ở Libya đã chiến thắng chỉ sau vài tháng nhận được sự
yểm trợ không quân của NATO. Nhưng chính điều đó khiến Landis đưa ra lý do thứ 3
cho việc không tin chế độ Assad sắp sụp đổ: các cường quốc bên ngoài ít muốn can
thiệp.
Các nước phương Tây không chắc muốn can thiệp vào Syria, ngoại trừ ủng hộ sự can
thiệp của các nước láng giềng trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Liên đoàn Ảrập.
Nhưng chính Liên đoàn Ảrập cũng chia rẽ, với Lebanon, Iraq và Algeria luôn tỏ ra
thông cảm hơn với Damascus. Trong khi đó, Ảrập Xêút cũng không thiên lắm về một
phản ứng quân sự trực tiếp.
Và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy ủng hộ FSA và phe đối lập ở Syria, cũng ngày càng lo ngại về
khả năng Assad sụp đổ vì cuộc chiến nội tại của nước này với phong trào người
Kurd. Người Kurd Syria không tham gia vào làn sóng nổi dậy ở bất kỳ cấp độ đáng
kể nào và nhiều khả năng nếu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp, chính quyền Assad sẽ phục hồi
chiến lược cũ của mình là ủng hộ phong trào li khai người Kurd (PKK), thổi bùng
ngọn lửa mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng dập tắt.
Do vậy, tất cả các cường quốc lớn đều ý thức một cách sâu sắc về những nguy hiểm
trong khu vực nếu Syria lao vào một nội chiến mà tiềm tàng lôi kéo các phe phái
từ Lebanon và Iraq, đồng thời làm tăng nguy cơ bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và
Jordan.
Tất cả những điều đó đều có lợi cho Tổng thống Assad.
Vì vậy, cuộc họp tuần này của Hội đồng Bảo an có thể không báo trước cuộc tấn
công kết thúc trò chơi Syria cũng như khởi đầu một cuộc xung đột kéo dài và ngày
càng đẫm máu vốn sẽ là một chủ đề liên hoàn tại Liên Hợp Quốc trong nhiều tháng
tới đây.
Thanh Hảo (Tổng hợp)