GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là người đóng vai trò quyết định trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Singapore. Mới đây, ông đã có những chia sẻ với báo chí nhân chuyến công tác tới Việt Nam.
Ông đánh giá ra sao về ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam?
GS. Teck-Seng Low: Thông qua báo chí và chia sẻ của các chuyên gia khác, tôi biết rằng Việt Nam đang tiến rất nhanh trong tiến trình công nghiệp hóa nói chung cũng như thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nói riêng.
Do những vấn đề về địa chính trị, một số công ty có chiến lược chuyển cơ sở sản xuất từ một nước khác sang Việt Nam. Nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này thì sẽ rất là tuyệt vời.
Việt Nam là đất nước đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Việt Nam liệu có thể tận dụng điều này để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không?
GS. Teck-Seng Low: Ngành bán dẫn xuất phát từ những vật liệu rất cơ bản. Ví dụ, với bán dẫn thông thường, nguyên liệu đầu vào của nó là silica, hay chính là cát, rất nhiều và dễ kiếm. Sau đó, bắt đầu có những loại vật liệu mới như silic, carbide, gali, tức là kết hợp khoảng 5-6 nguyên tố để tạo thành bán dẫn. Với bán dẫn truyền thống, các nguyên liệu đầu vào của nó không hề đắt.
Người ta nghiên cứu vật liệu mới và cũng phát minh ra rất nhiều vật liệu mới cho sản xuất bán dẫn. Nhưng không nhất thiết lúc nào ngành bán dẫn cũng đòi hỏi những nguyên vật liệu đắt, khó kiếm như là đất hiếm. Với đất hiếm, tiềm năng của loại tài nguyên này chỉ nổi bật trong việc phát triển các vật liệu từ tính như sản xuất pin xe điện.
Nhiều chuyên gia khuyên Việt Nam chỉ nên đầu tư thiết kế chip, bởi nguồn lực cần để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn hoàn chỉnh là rất lớn. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
GS. Teck-Seng Low: Ngành bán dẫn là một hệ sinh thái gồm rất nhiều mảng. Trong đó, có những mảng đòi hỏi đầu tư rất lớn như FAB (nhà máy sản xuất chip), thường yêu cầu đầu tư từ 4-5 tỷ USD. Có thể Việt Nam cũng không sẵn sàng đầu tư vào mảng FAB, phần này nên để những ông lớn làm.
Với Singapore, công ty nước ngoài chính là những đơn vị xây nên các nhà máy sản xuất chip đầu tiên. Sau đó, chúng tôi tham gia vào từng phần trong chuỗi đó, nâng cao năng lực dần dần rồi phát triển và tham gia sâu hơn.
Trong bán dẫn có nhiều mảng như thiết kế, lắp ráp, đo kiểm,... Singapore không đầu tư vào FAB và nhà máy sản xuất chip, chúng tôi đầu tư vào lắp ráp, đo kiểm và dần dần mới chuyển sang phần thiết kế.
Vậy Singapore đã phát triển ngành bán dẫn như thế nào?
GS. Teck-Seng Low: Về tổng quát, có thể nói ngành bán dẫn bắt đầu từ ngành điện tử. Ngành điện tử lại bắt đầu từ các thiết bị, như TV, radio,... Từ đó, ta sẽ đi xuống một cấp độ nhỏ hơn, đấy là cấp độ chip. Và dưới cấp độ chip thì mới đến cấp độ bán dẫn.
Với Singapore, khi không có gì trong tay, chúng tôi thu hút các công ty nước ngoài vào đất nước mình để bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp điện tử. Từ đó, chúng tôi dần dần phát triển năng lực sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng.
Bây giờ, chúng tôi có tất cả mọi thành phần trong chuỗi giá trị ngành điện tử bán dẫn, từ những công ty về lắp ráp cho tới thiết kế, đo lường, kiểm thử.
Ông có thể đưa ra một vài lời khuyên được không? Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành bán dẫn, thu hút các công ty chip nước ngoài đến Việt Nam?
GS. Teck-Seng Low: Tôi xin không nhận xét về Việt Nam. Nhưng tôi có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Singapore mà Việt Nam có thể áp dụng.
Singapore có nhiều chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, chúng tôi có luật pháp rất rõ ràng, chính trị ổn định, chính phủ kiến tạo,... Hơn nữa, chúng tôi có chính sách nhập cư, khuyến khích những lao động có kỹ năng, tài năng nhập cư vào Singapore để làm việc.
Con người bao giờ cũng rất quan trọng. Đào tạo con người do đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Để chuẩn bị nhân lực cho ngành bán dẫn, cần thu hút sự tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học. Sinh viên ra trường có thể làm việc trong các công ty bán dẫn. Đấy cũng là cách để chuẩn bị nhân lực và thu hút đầu tư.
Đầu tư vào nghiên cứu khoa học rất đắt đỏ. Đầu tư vào giáo dục cũng không hề rẻ. Thế nhưng đầu tư vào giáo dục là đầu tư tốt nhất vì nó mang lại hiệu quả, lợi ích lâu dài.
Từ năm 2010 đến 2012, GS Teck-Seng Low là giám đốc điều hành của Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR), một cơ quan chính phủ với hơn 5.000 nhân viên. Từ năm 2012 đến năm 2022, ông giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF), một cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore. Tại vị trí này, ông đặt ra định hướng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trên khắp Singapore, với Kế hoạch 5 năm mới nhất về Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp (RIE) với ngân sách 25 tỷ Dollar Singapore (2020). Năm 2004, GS. Low được trao Huân chương Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Đây là huân chương danh giá nhất dành cho những người có đóng góp nổi bật, bền vững và đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển của Singapore thông qua việc thúc đẩy và quản lý nghiên cứu và phát triển. Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng về Hành chính công vì những đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển của giáo dục kỹ thuật và quản lý khoa học và công nghệ cho quốc gia. Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ (Chevalier) |
Cảm ơn ông!
Mạnh Hưng (thực hiện)