Bệnh lý phổ biến, nhưng có triệu chứng báo hiệu

Tại lễ mít tinh Ngày quốc tế Người cao tuổi - 1/10 mới đây, PGS.TS.BS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ: Bệnh tim ở NCT thực ra là một quá trình lão hóa tự nhiên và không thể đảo ngược. Sự biến đổi do lão hóa ở hệ tim mạch (đặc biệt là xơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch ở NCT. 

Với người cao tuổi, sự lão hóa không chỉ đến với hệ tim mạch mà ở tất cả các cơ quan như: hô hấp, tuần hoàn, hệ cơ xương, hệ miễn dịch… Ví dụ, các bệnh về xương khớp, mỡ máu, tiểu đường… cũng có phần nguyên do từ quá trình lão hóa này, do đó vấn đề tim mạch cũng chỉ là bệnh lý phổ biến ở NCT.

Về bản chất, khi cơ thể NCT lão hóa, trái tim của họ cũng yếu dần. Cụ thể, nhịp đập không ổn định và không đều nữa (lúc nhanh lúc chậm). Lí do là các mạch máu của NCT về già thường bị xơ cứng, không co giãn tốt nữa. Các van tim của họ cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi. Trong các bộ phận ở tim mạch lão hóa nhanh thì van động mạch chủ thường bị nhiều triệu chứng nhất do phải làm việc nhiều nhất, nên các bệnh về van tim NCT xuất hiện nhiều như hở van tim, co thắt van tim, tắc nghẽn mạch máu…

Được coi là “sát thủ” của NCT, tuy nhiên các dấu hiệu thường gặp với NCT khi xuất hiện triệu chứng tim mạch theo BS Nguyễn Sinh Hiền là không khó đoán. Cụ thể, về hô hấp là triệu chứng khó thở do ít vận động hoặc lo lắng quá mức về việc gì đó. Đáng chú ý, nếu triệu chứng khó thở liên tục có thể do nghẽn mạch phổi bởi xuất hiện cục đông máu làm nghẽn mạch máu trong phổi hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim. Triệu chứng này rất nguy hiểm đến tính mạng, nên cần được phát hiện sớm và đi thăm khám định kỳ để kiểm tra.

12 tam su tuoi gia.jpg
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn thực phẩm lành mạnh, giao lưu bè bạn... là cách để NCT hạn chế được bệnh tim mạch.

Triệu chứng thứ hai dễ nhận biết khác là hay bị choáng váng khi di chuyển (đứng lên ngồi xuống, bước từ giường xuống nền nhà, đi nắng về…). Cảm giác hay chóng mặt vào buổi sáng nguyên nhân gây ra có thể do bệnh tiểu đường, Parkinson, trụy tim, hay phản ứng phụ của thuốc bao gồm cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp. Nhiều NCT ở nông thôn thì khá chủ quan với triệu chứng này và cho rằng, chóng mặt do tụt huyết áo vì quên ăn sáng hoặc làm việc quá sức hay chỉ do say nắng chứ không ai nghĩ đến hiện tượng tim mạch.

Triệu chứng thứ ba cũng dễ nhận biết khi NCT thường bị đau thắt ngực. Đây là triệu chứng của NCT thiếu máu và nhồi máu cơ tim. NCT về đêm khi ngủ thường có cảm giác như bị đè nặng (cảm giác bóng đè) hoặc đau nhói nhưng lại cứ nghĩ do nằm sai tư thế nên dây thần kinh nó “kéo” khiến cơ thể bị đau. Đôi khi nhiều NCT xuất hiện cảm giác nóng rát, tức ngực, gây cảm giác khó thở thì lại nghĩ do mất ngủ vì suy nghĩ nên xuất hiện triệu chứng đau. Trong khi bản chất, những cơn đau này thường lan tỏa xuyên qua lồng ngực ra phía sau, lên phía hai vai hoặc dọc cánh tay. 

Một triệu chứng khác cũng hay bắt gặp với NCT liên quan đến tim mạch là khi làm việc gắng sức hay xúc động mạnh, NCT thường có cảm giác như bị vật gì đè nặng lên ngực; chân tay tê bì, khó thở, vã mồ hôi thậm chí đổ mồ hôi trộm. Nếu ngồi nghỉ thì sức khỏe trở lại bình thường nên nhiều NCT ở nông thôn cũng chủ quan vời triệu chứng này khi cho rằng, đói bụng nên hoa mắt và dạ dày co thắt lên nó đau. Nhưng thay vì đau dạ dày thì đau tim, nhiều NCT rất chủ quan và hay “nhầm lẫn” vị trí đau nên cũng không đi thăm khám kiểm tra bao giờ.

Sinh hoạt lành mạnh, phòng tránh bệnh từ sớm

Chia sẻ về 4 nhóm triệu chứng thường gặp nói trên, BS Nguyễn Sinh Hiền cho rằng, dù triệu chứng ra sao thì NCT nên đi thăm khám để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh. Bởi, tim mạch là tình trạng cấp cứu, cần nhập viện càng sớm càng tốt mới điều trị thành công. Nếu không, mọi sự cố gắng khi trở nặng thì đều thất bại. 

Cùng quan điểm với BS Hiền, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, nhiều NCT bị bệnh tim mạch nhưng thậm chí không hề có dấu hiệu đau thắt ngực. Nhưng nếu khi đi thăm khám, được đo nhịp tim bằng điện tâm đồ thì họ vẫn mắc những bệnh tim mạch. Không cứ bệnh nhân có tiền sử bệnh tim hay suy tim mà những NCT cũng rất dễ gặp các bệnh lý liên quan.

Dĩ nhiên, khi nắm được triệu chứng thì sẽ tìm cách khắc chế và chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt/luyện tập chính là chìa khóa để phòng ngừa căn bệnh quái ác này. Ví dụ ngừng hút thuốc lá với những NCT vốn có thói quen này. Thường xuyên kiểm soát huyết áp (dưới 120/80 (mm Hg) là chỉ số tốt). Kiểm soát bệnh tiểu đường – một bệnh nguy hiểm khác của NCT cũng là giải pháp có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Đặc biệt, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn thực phẩm lành mạnh, xây dựng môi trường trong sạch, gia đình đầm ấm, hạnh phúc chính là những điều rất cần thiết cho NCT nhằm chống lại căn bệnh này.

Lê Giáp Việt Hoàng, Vũ Thị Linh Trang, Nguyễn Thị Hà Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Lài