Paris đem lại lợi thế kỹ thuật ban đầu không thể tốt hơn với đoàn đàm phán của VNDCCH và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Khi cuộc đàm phán hòa bình mở ra tại Paris nhằm tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, nhà ngoại giao Dương Văn Quảng đang là một sinh viên được nhà nước cử đi học tại Pháp. Ông chỉ được tham dự vào những ngày cuối của cuộc đàm phán với tư cách một tình nguyện viên giúp việc cho phái đoàn VNDCCH, với công việc cụ thể nhất là ngồi dán các lá thư mời của phái đoàn gửi đến các tổ chức và nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới Pháp.
“Có những ngày cần gửi gấp giấy tờ, mà theo đường bưu điện khi đó phải 2-3 ngày mới tới nơi, chúng tôi phải làm một việc là phân chia bưu phẩm theo từng vùng, từng quận trong Paris và các tỉnh lân cận rồi mang đến tận bưu cục của vùng đó để chắc chắn rằng người nhận sẽ nhận được sớm nhất có thể” – ông kể.
Giờ đây, ngồi nhìn lại cuộc đàm phán lịch sử đó trong ngôi nhà số 2 phố Verrier quận 6 Paris, nơi hơn 40 năm trước từng là địa điểm diễn ra nhiều cuộc đàm phán nảy lửa giữa các bên, và giờ là trụ sở của phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO mà ông làm Đại sứ, ông Quảng khẳng định: “Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”.
Với Mỹ, Paris không thân thiện
Thực tế, điều nhà ngoại giao Dương Văn Quảng phân tích, cũng chính là những yếu tố từng khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Johnson e dè khi đề cập đến Paris như là một địa điểm để mở đầu đàm phán. Chính quyền của Johnson từng công khai nhận xét về Paris là “ủng hộ Việt-cộng một cách quá đáng”.
Công kích đó từ phía Mỹ không phải không có cơ sở.
Mùa Thu năm 1966, một cuộc thăm dò dư luận Pháp cho thấy 60% người Pháp cho rằng tình hình chiến sự tại Việt Nam có nguy cơ gây ra Thế chiến 3 và 68% cho rằng người Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam.
Những năm cuối thập kỷ 60 là quãng thời gian mà các phong trào xã hội dâng cao trong lòng nước Pháp với các chủ đề nóng bỏng như chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và đòi hỏi thay đổi những giá trị truyền thống. Cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, vì thế, lấy được rất ít sự cảm thông từ người Pháp.
Điều Johnson ngại hơn nữa là thái độ của De Gaulle, nhân vật có tư tưởng tự cường, không phụ thuộc vào Mỹ, và bị nhiều nhà ngoại giao Mỹ đả kích là “chỉ hả hê khi nhìn Mỹ thất bại”. Johnson sợ rằng việc đàm phán ở Paris sẽ chỉ mang lại thêm hào quang cho De Gaulle. Tuy nhiên, Johnson sau này cũng xuôi tai khi được Averell Harriman thuyết phục rằng sự hiện diện của những chuyên gia Pháp am hiểu Việt Nam như Manac’h hay Sainteny có thể giúp ích rất nhiều cho các cuộc đàm phán.
Bên cạnh đó, John Gunther Dean cũng báo cáo về Washington rằng bất chấp sự phản đối chính thức từ phía chính phủ Pháp (về các giải pháp quân sự của Mỹ), sự thù địch của cộng đồng người Việt và báo chí Pháp… Paris vẫn có nhiều lợi thế hơn bất lợi bởi đó là thành phố lớn, nơi có mặt tất cả các phái đoàn ngoại giao dễ tham vấn, dễ đi lại, dễ tổ chức các cuộc gặp chính thức hay bí mật và người Pháp có thể hữu ích trong các kế hoạch hậu chiến.
Harry McPherson, cố vấn thân cận và là người chuyên viết diễn văn cho Johnson, thì tuyên bố đầy khẳng khái rằng “là nước lớn, Mỹ không thể từ chối Paris, kể cả khi De Gaulle có ý đồ xấu”. Cuối cùng, so với Warsaw mà Hà Nội từng muốn chọn, Paris dĩ nhiên vẫn tốt hơn với người Mỹ.
Người Pháp tất nhiên hiểu rằng cũng cần có những bù đắp nhất định để người Mỹ không cảm thấy quá thiệt thòi. Việc chọn địa điểm đàm phán chính thức ở nhà số 19 đại lộ Kleber trong quận 16, Paris là theo yêu cầu của phía Mỹ. Washington muốn một “địa điểm khiêm tốn” trong Paris vì không muốn “tô điểm” cho đối thủ trong khi phía Pháp, do lo ngại các cuộc biểu tình, muốn chọn một địa điểm nằm ngoài Paris, mà dự định lại là Cung Hội nghị hoành tráng ở lâu đài Versailles. Dự định này được Hà Nội ủng hộ.
“Anh em cộng sản” & Việt kiều
Với phái đoàn VNDCCH, và sau này thêm cả Mặt trận, những lo ngại nhanh chóng được thay thế bởi các trợ giúp quý giá. Tờ báo “L’Humanité – Nhân đạo”, của đảng CS Pháp (PCF) thống kê, từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973, trong 203 cuộc họp của Ban Bí thư Đảng CS Pháp, chủ đề Việt Nam xuất hiện trong 125 cuộc, đàm phán Paris trực tiếp đề cập trong 29 cuộc. Ở Bộ chính trị đảng CS Pháp, trong 171 cuộc họp thì 41 cuộc nói về Việt Nam và 10 cuộc trực tiếp bàn về tình hình đàm phán. Khi những nhà ngoại giao Việt Nam đặt chân đến Paris đàm phán thì các lãnh đạo PCF cũng ra lời kêu gọi một cuộc đấu tranh “của hai đảng anh em” nhằm tìm kiếm hòa bình cho Việt Nam.
Bên cạnh nỗ lực chính trị, Đảng CS Pháp, với mạng lưới cơ sở lớn, đã trực tiếp giúp đỡ nhiều về vật chất cho phái đoàn VNDCCH và Mặt trận. Ngôi nhà mà phái đoàn miền Bắc ở tại thành phố Choisy-le-Roi, của Mặt trận tại Verriere-le-Buison, căn nhà đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger tại Gif-sur-Yvette… tất cả đều là cơ sở kinh tài của đảng CS Pháp. Ngay cả những nhân viên an ninh, lái xe, người phục vụ các bữa ăn… cũng được đảng CS Pháp thuê và trả lương để phục vụ phái đoàn.
Để đấu tranh dư luận, vũ khí lợi hại nhất mà những người cộng sản Pháp cung cấp cho phái đoàn Việt Nam là tờ báo “L’Humanité – Nhân đạo”, một trong những tờ báo lớn tại Pháp. Tờ báo này đăng tải hầu như hàng ngày mọi tiến triển của hội đàm, những bài viết hay thông cáo báo chí từ các phái đoàn VNDCCH và Mặt trận, đồng thời đả kích các luận điểm từ phía Mỹ.
Trong diễn văn đọc tại Marseille ngày 30/11/1969, Raymond Guyot, khi đó là Ủy viên Bộ chính trị, phụ trách ban quốc tế đảng Cộng sản Pháp, đã giao nhiệm vụ cho L’Humanité là “Thông tin, thông tin nữa, bằng mọi phương tiện”.
Huy động các phong trào xã hội khác cùng tham gia biểu tình ủng hộ hòa bình ở Việt Nam cũng là một đóng góp khác có sức nặng của đảng CS Pháp cho Hà Nội trong việc gây sức ép với Mỹ trong đàm phán. Bà Helen Luc, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, một trong những thành viên tích cực của những cuộc vận động đó, kể: “chúng tôi đã thực hiện những chiến dịch nhân đạo lớn như chiến dịch 100 triệu. Chúng tôi cũng thường xuyên liên kết với 52 tổ chức hữu nghị với Việt Nam và Phong trào Hòa bình để tổ chức các cuộc biểu tình, mit-ting lớn nhằm chống leo thang chiến tranh ở Việt Nam hay trực tiếp là thúc đẩy cuộc đàm phán tiến lên phía trước”.
Song song với những người cộng sản Pháp, phái đoàn VNDCCH và Mặt trận còn nhận được sự giúp đỡ hầu như không suy tính từ rất đông cá nhân trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Pháp. Ở thời điểm đó, Pháp là quốc gia có đông người gốc Việt sinh sống nhất trên thế giới và việc nhiều gia đình người Việt bao bọc, giúp đỡ thành viên phái đoàn là chuyện không hiếm. Có người phụ trách y tế, người chuyên nấu các bữa ăn Việt Nam, người phiên dịch… nói chung là tất cả những gì có thể làm được. Có những gia đình đã coi các thành viên đoàn đàm phán như người thân trong nhà và cả gia đình đó được coi là “thế hệ Hiệp định” bởi tất cả từ cha mẹ, con cái đều gắn bó với 5 năm đàm phán dài đẵng đẵng tại Paris.
(còn tiếp)
Bùi Nguyễn
-------------
Tư liệu:
Vietnam 1968-1976: Exiting a War (Pierre Journoud & Cécile Menétrey-Monchau)
Le Parti communiste francais et les négociations de Paris (Sylvain Pons, 2008)
Le Parti communiste francais et l’action de solidarité avec le Vietnam (Goscha, C.Vaisse)
L’Europe et la guerre du Vietnam, 1963-1973 (Brussels, Bruylant 2003)