Hôm 22/2, hai ngày trước khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine, một tàu mang cờ Đức đã rời cảng Primorsk của Nga, chở theo 33.000 tấn dầu diesel. Ngày 3/3, khi tàu đến Tranmere, một cảng giao nhận dầu mỏ của Anh, các công nhân ở cảng đã từ chối bốc dỡ lô hàng sau khi biết nguồn gốc của nó.

{keywords}
 

Những vụ tẩy chay tương tự đã xảy ra ở những nơi khác. Công ty dữ liệu Kayrros ước tính, tổng lượng dầu "trên mặt nước" đã tăng gần 13% trong 2 tuần sau khi chiến sự bùng bổ, chủ yếu do các chuyến hàng không thể bàn giao của Nga phải tìm kiếm những người mua mới. Số lượng tàu quay trở lại Nga cũng tăng vọt.

Theo báo The Economist, hầu hết số dầu mỏ rời khỏi Nga trong những tuần gần đây đều đã được mua và thanh toán trước khi cuộc chiến bắt đầu. Hiện, số lượng dầu được vận chuyển đi ít hơn. Lo lắng về các lệnh trừng phạt, dư luận xấu và rắc rối trong khâu hậu cần đã khiến nhiều khách hàng tạm dừng mua nhiên liệu của Nga.  

Vào ngày 24/3, khối lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 2,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn gần 2 triệu thùng so với ngày 1/3, theo thống kê của công ty dữ liệu Kpler. Khi những thùng nhiên liệu đó không bán được, giá dầu thô Brent lên tới gần 120 USD. Tuy nhiên, đối với các quốc gia sẵn sàng mạo hiểm, dầu mỏ của Nga bắt đầu trở thành một món hời. Điều đó có thể tạo ra một sự thay đổi lâu dài đối với các mô hình thương mại.

Sự khác biệt giữa các lệnh cấm Nga và Iran

Lệnh cấm vận một phần đối với Nga gợi nhắc việc phương Tây phong tỏa Iran vào những năm 2010, khiến nước Cộng hòa Hồi giáo phải xúc tiến chiến lược độc nhất vô nhị để đối phó.

Tháng 5/2018, Mỹ đã triển khai các lệnh trừng phạt "gây áp lực tối đa", với mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Động thái gần như đã thành công. Vào tháng 10/2019, xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông đã giảm xuống mức trung bình 260.000 thùng/ngày, trong khi trước trừng phạt là 2,3 triệu thùng/ngày. Song, kể từ đó, hoạt động đã hồi sinh một chút, đạt trung bình khoảng 850.000 thùng/ngày trong 3 tháng tính đến tháng 2/2022.

Theo giới quan sát, Iran đã tìm được cách bán dầu qua 2 kênh. Đầu tiên là thông qua bán hàng được ủy quyền nhưng bị hạn chế. Khi áp đặt các lệnh trừng phạt, Mỹ đã miễn trừ có giới hạn cho 8 nước nhập khẩu dầu từ Iran, song các giao dịch phải được thanh toán bằng đồng nội tệ của bên mua và được giữ trong các tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng địa phương hoặc được dùng để mua các hàng hóa sản xuất tại địa phương.

Điều đó khiến Iran phẫn nộ. Tháng 12/2021, nước này buộc phải nhận chè từ Sri Lanka như phương thức thanh toán cho khoản nợ dầu trị giá 251 triệu USD.

Để lách các hạn chế, Iran đã sử dụng kênh bán hàng thứ hai là buôn lậu lượng lớn dầu. Các tàu chở dầu của Iran đã đi đến những nước đối thủ của Mỹ trong tình trạng tắt bộ phát đáp tín hiệu tự động. Một số tàu được sơn lại để che giấu xuất xứ. Số khác chuyển giao hàng hóa giữa biển khơi, thường vào ban đêm, cho những tàu treo cờ nước khác.

Julia Friedlander, một cựu quan chức tình báo hiện làm việc cho tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington cho biết, dầu Iran cũng được các nhóm buôn lậu chuyển qua đất liền. Iran cũng dùng loại nhiên liệu này đổi với một số nước để lấy vàng, thuốc trừ sâu và thậm chí cả các dự án xây dựng nhà ở tại Tehran. 

{keywords}
Xuất khẩu dầu thô của Nga trong 3 tháng đầu năm 2022. Đồ họa: The Economist

Các nhà phân tích tin, Nga khó có khả năng áp dụng chiến lược như trên của Iran, chủ yếu vì hiện tại nước này không cần phải làm như vậy. Các lệnh cấm vận Iran bao gồm cả những biện pháp trừng phạt thứ cấp, đe dọa các ngân hàng nước thứ 3 giao dịch với nước này bằng các khoản tiền phạt khổng lồ. Điều đó làm cho việc mua dầu công khai trở nên rủi ro.

Ngược lại, Moscow đang đối mặt với lệnh cấm vận yếu hơn. Chỉ có Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga và lâu nay nước này cũng không mua nhiều nhiên liệu từ xứ sở bạch dương. Hôm 25/3, Đức tuyên bố sẽ cắt giảm một nửa lượng mua, nhưng vẫn chưa rõ thời điểm bắt đầu. Dầu xuất khẩu của Nga cũng được vận chuyển qua các đường ống, ít rõ thấy hơn so với các chuyến vận chuyển bằng đường biển và chiếm khoảng 1 triệu thùng trong tổng kim ngạch xuất khẩu 7,9 triệu thùng ngày của Nga, vẫn đang tuôn chảy. Hiện Moscow cũng không phải hứng chịu biện pháp trừng phạt thứ cấp nào.

Cách tháo gỡ thế "kẹt" của Nga

Tất nhiên, xuất khẩu dầu mỏ bằng đường biển của Nga đã giảm vì những bạn hàng phương Tây, chẳng hạn như các công ty năng lượng lớn, lo ngại phản ứng dữ dội của công chúng. Thực tế này còn vì những vấn đề đau đầu về tài chính và hậu cần khi các ngân hàng thận trọng cắt giảm tín dụng, các chủ tàu vật lộn với phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Ngoài ra, theo chuyên gia Antonia Tzinova thuộc công ty luật Holland & Knight, mỗi khi các biện pháp trừng phạt được điều chỉnh, các nhân viên thực thi phải nghiên cứu hàng trăm trang văn bản pháp lý không rõ ràng, khiến nhiều giao dịch của Nga gặp phải rắc rối không đáng có. Do đó, dầu thô Urals, loại Nga đang khai thác, hiện được giao dịch với mức chiết khấu khoảng 30 USD/thùng. Một nhà buôn đánh giá mức chênh lệch sẽ tăng tới 40 USD trong một tuần tới đây.

Hai quốc gia lớn không cùng phương Tây áp trừng phạt Nga và có thể hưởng lợi từ mặt hàng dầu mỏ Nga là Ấn Độ và Trung Quốc. Tải trọng của các tàu chở nhiên liệu từ Nga đến Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng đến 230.000 thùng/ngày trong tháng 3, tăng mạnh so với mức 0 thùng trong 3 tháng trước đó, không tính sản phẩm CPC là hỗn hợp dầu thô chủ yếu từ Kazakhstan và Nga.

Tuy nhiên, Ấn Độ khó có khả năng mua nhiều, ít nhất trong ngắn hạn. Gần một nửa số dầu nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông. Mặc dù dầu mỏ Nga có thể thay thế một phần, nhưng việc vận chuyển từ Vùng Vịnh rẻ hơn rất nhiều nên mức chiết khấu của dầu thô Urals trước tiên sẽ phải tăng thêm. Việc thanh toán hiện không thể giải quyết bằng đồng USD, đòi hỏi Ấn Độ phải thử nghiệm một cơ chế trao đổi giữa đồng rúp và đồng rupee.

Tất cả có thể giải thích tại sao Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ, công ty lọc dầu lớn nhất đất nước, mới chỉ đặt hàng 3 triệu thùng dầu của Nga. Adi Imsirovic, cựu Giám đốc phụ trách kinh doanh dầu của Gazprom, hiện làm việc cho Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, không tin Ấn Độ sẽ mua hơn 10 triệu thùng/tháng từ xứ sở bạch dương. Mức nhập khẩu như vậy là nhỏ, vì lượng dầu cần bán của Nga, theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế, là 3 triệu thùng/ngày vào tháng 4.

{keywords}
Xuất khẩu dầu thô của Nga (đơn vị triệu thùng/ngày) sang Trung Quốc (biểu đồ trên) và Ấn Độ (biểu đồ dưới) trong giai đoạn 2020 - 2022. Đồ họa: Economist

Trung Quốc đang nhập khẩu tổng cộng khoảng 10,5 triệu thùng/ngày (11% sản lượng hàng ngày của thế giới). Ông Imsirovic cho rằng, Trung Quốc có thể tăng lượng mua lên 12 triệu thùng/ngày, giúp họ nhập khẩu 60 triệu thùng từ Nga trong thời gian tương đối ngắn để lấp đầy kho dự trữ còn trống.

Tuy nhiên, các dự báo nêu trên chưa xảy ra. Một lí do là, ngay cả đối với Trung Quốc, việc vận chuyển dầu từ Nga đã trở nên khó khăn hơn. Trong khi việc vận chuyển từ Nga đến châu Âu thường mất 3 - 4 ngày, vận chuyển đến châu Á mất 40 ngày. Dầu cũng cần phải được chuyên chở bằng các tàu vận tải cỡ lớn hơn nhiều, làm tiêu tốn thêm thời gian và chi phí. Các ngân hàng Trung Quốc không muốn cho vay nên việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ.

Một lí do lớn hơn là, các thương nhân Trung Quốc có lẽ đang chờ đợi. Ngay cả khi phải trả thêm chi phí, việc mua dầu của Nga sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Các thương nhân Trung Quốc có thể đã nhìn ra cơ hội chốt lời "khủng". Khi giá dầu gần đạt một con số trong thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19 vào năm 2020, họ đã tích trữ tới mức tối đa. Khi vị thế thương mại của Nga suy yếu, chiết khấu dầu Urals sẽ tăng lên và khi đó phía Trung Quốc có thể mới bắt đầu mua vào.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy lọc dầu đều được thiết kế để xử lý một loại dầu thô nhất định, tức là việc chuyển đổi từ loại Urals có hàm lượng lưu huỳnh cao sang loại siêu nhẹ của Ảrập Xêút cần nhiều thời gian và tiền bạc. Điều đó ám chỉ việc Nga tiến vào thị trường châu Á và châu Âu nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung mới có thể định hình lại thị trường toàn cầu.

Dầu mỏ ở biển Bắc, vốn phần lớn thường xuất cho phương đông, sẽ ở lại châu Âu. Châu lục này cũng có thể cũng sẽ mua nhiều hơn từ Tây Phi và Châu Mỹ, đồng thời tăng cường nhập khẩu các loại giàu lưu huỳnh từ vùng Vịnh. Phần còn lại của thế giới, bao gồm cả châu Á, sẽ phải tự bằng lòng với những gì châu Âu không muốn. Dầu từ mỏ Tupi ở Brazil đã được giao dịch với giá cao gấp đôi mức bình thường so với giá dầu Brent. Kết quả của hệ thống thương mại dầu mỏ toàn cầu bị phân mảnh hơn này sẽ là giá cao hơn đối với các nhà nhập khẩu.

Hiện chưa rõ Nga sẽ lựa chọn "phao cứu sinh nào" để đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ thời gian tới.

Tuấn Anh

Mỹ mua ít dầu từ Nga, lệnh cấm nhập khẩu vẫn gây hậu quả lớn

Mỹ mua ít dầu từ Nga, lệnh cấm nhập khẩu vẫn gây hậu quả lớn

Mỹ không đủ sức một mình làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, đặc biệt nếu các khách hàng lớn của nước này vẫn duy trì dầu chảy trong đường ống.