- "Tương lai của các trường sư phạm sẽ đi về đâu?" Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại tọa đàm “Vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong những năm tới” do Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức sáng nay, 9/11.

Học sinh không còn lựa chọn trường sư phạm

TS Nguyễn Thanh Phúc, Trường CĐSP Bình Phước cho biết, trong vài năm trở lại đây, vấn đề tuyển sinh đầu vào của nhà trường cũng không còn được thoải mái lựa chọn như trước đây. Hàng năm các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn nhưng tuyển sinh không đáp ứng được quy mô đào tạo, một số ngành học không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký vào học, làm cho các trường hoạt động cầm chừng.

"Cá biệt có nhiều ngành không tuyển sinh được (Cao đẳng Sư phạm Văn, Sử, Địa, Vật lý, Hóa, Tin học, Nhạc, Họa…)" - ông Phúc cho hay.

{keywords}
Học sinh không còn lựa chọn ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Đinh Tuấn.

Theo ông Phúc, số lượng học sinh phổ thông vài năm trở lại đây có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, nhiêu trường đại học công và tư số lượng tuyển sinh quá lớn nên thu hút gần hết học sinh của tỉnh khiến việc tuyển sinh của các trường sư phạm của tỉnh trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, sinh viên trường cao đẳng sư phạm ở tỉnh rất khó tìm việc làm do học không được tuyển vào công chức nhà nước.

Tuyển sinh đã khó, nhưng giảng dạy cũng khó không kém do tâm lý sinh viên không ổn định, ngại thi vào sư phạm. Khi thi vào rồi thì trong quá trình học cũng có biến động.

"Khảo sát sơ bộ cho thấy sinh viên sư phạm sau khi đã trúng tuyển vào trường học rồi học được một học kỳ thường xin bảo lưu kết quả và xin thi lại vào ngành học khác. Con số này đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý học sư phạm ra thì không xin được việc" - ông Phúc cho hay.

"Đào tạo sư phạm trong bối cảnh hiện nay có thể nói là đang phải trải qua một cơn bão với nhiều những sóng gió phía trước. Một chiến lược đào tạo, phát triển lâu dài, ổn định đang là vấn đề đặt ra không chỉ đối với đào tạo sư phạm ở trường CĐSP Bình Phước mà thiết nghĩ là vấn đề sống còn với tất cả các trường có đào tạo sư phạm trong cả nước" - ông Phúc khẳng định.

"Sự tồn tại của các trường phụ thuộc vào công tác tuyển sinh, tuyển sinh không được thì làm sao mà tồn tại?" - ông Phúc đặt câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm này, TS Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, các trường sư phạm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập đặc biệt là chất lượng đầu vào thấp.

Nguyên nhân là do sinh viên khó tìm việc làm sau tốt nghiệp do đào tạo cung đã vượt cầu. Trong khi đó, chính sách tuyển dụng còn nhiều bất cập, chưa kể đến tiêu cực tràn lan.

"Chẳng hạn như tuyển dụng viên chức theo quy định tại NĐ 29/CP khiến đối tượng tốt nghiệp CĐSP địa phương thiệt thòi hay giáo việc tuyển dụng cho cơ quan nội vụ, các cơ sở giáo dục hầu như đứng ngoài" - ông Hạnh khẳng định.

Bên cạnh đó, cơ chế tuyển sinh bất lợi cho các trường sư phạm, nhiều trường ĐH xét tuyển theo kiểu lưới quét. Các trường ĐH đào tạo tất cả trình độ, CĐ, TCCN nên trường sư phạm thiếu nguồn tuyển.

"Nhiều trường sư phạm lúng túng, không biết đứng ở đâu trong hệ thôgsn giáo dục quốc dân và sẽ đi đâu về đâu trong giai đoạn tới" - ông Hạnh nói.

Trong bức thư gửi về buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Bắc Kạn cũng khẳng định, điều mà Tập thể sư phạm Nhà trường lo lắng nhất hiện nay là tương lai của các trường sư phạm và các trường có đào tạo ngành sư phạm sẽ đi về đâu.

"Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tìm ra các giải pháp để tháo gỡ cho các trường có đào tạo ngành sư phạm" - bà Thanh nêu vấn đề.

Đào tạo giáo viên theo địa chỉ

Trong bài phát biểu tại tọa đàm, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho biết, trong những năm qua, nhu cầu giáo viên giảm trong khi giáo sinh ra trường lại tăng lên, dẫn đến hiện tượng dư thừa giáo viên.

TS Khuyến dẫn lại báo cáo của PGS.TS Bùi Văn Quân đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên bao gồm: 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên THCS, 16.900 giáo viên THPT. 

Thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các trường sư phạm. Các trường sẽ buộc phải giải thể hoặc quy hoạch lại. Điều này thể hiện rõ qua hai mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2 năm qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh. 

{keywords}
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc thừa giáo viên là dấu hiệu đáng lo ngại đối với sự tồn vong của các trường sư phạm. Ảnh: Lê Văn.

TS Khuyến cho rằng, đây là những dấu hiệu đáng lo ngại đặc biệt đối với sự tồn vong của các trường sư phạm.

Tuy nhiên, TS Khuyến cho rằng, tất cả các quốc gia đều trải qua sự thăng trầm về nhu cầu giáo viên theo quy luật lượn sóng. Do đó, cần phải duy trì sự ổn định của các cơ sở đào tạo giáo viên (độc lập hoặc nằm trong một sơ sở đào tạo đại học đa lĩnh vực).  

"Nhiều nước trên thế giới họ tính toán số lượng giáo viên về hưu hàng năm, tỷ lệ thừa bao nhiêu, cần bổ sung bao nhiêu từ đó ổn định quy mô đào tạo nhưng Việt Nam chưa làm việc này" - ông Khuyến nhận định.

TS Khuyến cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm tìm hướng gỡ cho số phận các trường sư phạm tại Việt Nam.

Theo ông Khuyến, cần phải thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành ác trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐHSP địa phương, các trường /khoa CĐSP địa phương.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đào tạo và bồi dưỡng GV chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường).

"Bộ GD&ĐT quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống" - TS Khuyến nói.

Bộ GD-ĐT quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐHSP/ĐH giáo dục trọng điểm. Ủy ban ND tỉnh/TP trực thuộc TW quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, TH và THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Không tranh giành nguồn tuyển, đào tạo chồng chéo giữa các địa phương.

"Các trường trọng điểm tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm và trường THPT. Các trường/khoa SP địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng GV cho các trường MN, TH và THCS" - TS Khuyến kiến nghị.

...

Quy hoạch 10 trường sư phạm trọng điểm

Tại buổi làm việc với trường CĐ Sư phạm Lào Cai cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện nay cả nước có 114 trường đào tạo sư phạm trong toàn quốc từ trường ĐH đến các trường có khoa sư phạm.

Theo Bộ trưởng Nhạ, thực tế, đang có nhiều trường sư phạm đa ngành, đa nghề dẫn đến tính sư phạm trong nhà trường bị giảm. Trường khác đa ngành đa nghề được, riêng ngành sư phạm thì không.

Tới đây, chủ trương của Bộ GD&ĐT là chỉ để trên dưới 10 trường sư phạm và đầu tư trọng điểm. Như vậy, các thầy cô vào đây phải là những giảng viên giỏi, sinh viên vào cũng phải là sinh viên giỏi.


Lê Văn