- Không còn chức tước chính quyền, lời “đề nghị các cấp xem xét, giải quyết” của ông cựu Chủ tịch xã ghi chung vào đơn của bà Thi những mong sửa lỗi mình đã làm trong quá khứ, không được chấp nhận.
TIN BÀI KHÁC:
Thôn xã làm sai dân chịuTòa Tối cao có kháng nghị nhưng công lý còn xa
Lập doanh nghiệp "ma" để lách luật, Tòa vẫn làm ngơ
Những kết luận "trời ơi" của Tòa và hậu quả
Tòa án Khánh Hòa xử tranh giành thừa kế có oan sai?
Lần nào từ Nghệ An ra Hà Nội đến các cơ quan Trung ương xem kết quả khiếu nại về đất đai xây nhà thờ Liệt sỹ Trần Công Hạnh, bạn đọc Trần Thị Thi (ở khối 1, phường Quán Bàu, TP. Vinh) cũng tới Báo VietNamNet.
Lần gần nhất cách đây vài tháng cũng vậy, bạn đọc Thi cho biết: UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ: Không thừa nhận việc bà Trần Thị Thi (nhận ủy quyền của bà Trần Thị Thân và ông Trần Văn Liện- thân nhân của Liệt sỹ Trần Công Hạnh), đòi lại đất cũ cho Liệt sỹ Trần Công Hạnh tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bởi vì xã Thanh Long đã giao thửa đất đó cho gia đình bà Trần Thị Hường và UBND huyện Thanh Chương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Hường ngày 8/12/1995. Gia đình bà Trần Thị Thân, thân nhân của Liệt sỹ Trần Công Hạnh cũng không đủ điều kiện để được giao đất theo hình thức định giá.
Bạn đọc Thi cung cấp một thông tin mới: Ông Hoàng Thế Kỷ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Long, đã rất hối hận và xin lỗi gia đình, xin lỗi linh hồn Liệt sỹ Trần Công Hạnh là đã làm sai khi đương chức Chủ tịch UBND xã Thanh Long từ 1994- 2002. Không còn chức tước chính quyền, lời “đề nghị các cấp xem xét, giải quyết” của ông ghi chung vào đơn của bà Thi những mong sửa lỗi mình đã làm trong quá khứ, không được chấp nhận. Tức là, việc ông đã làm sai khi đương chức, không được sửa!
Ảnh minh họa |
Vậy ông Kỷ lúc đương chức Chủ tịch xã Thanh Long đã làm sai như thế nào?
Mảnh đất 1000 m2 ở xã Thanh Long đang bị khiếu kiện kéo dài này vốn là của gia đình Trần Công Hạnh. Mới 3 tháng tuổi Hạnh đã mồ côi cha; lên 5 tuổi thì mẹ Hạnh chết vì thực dân Pháp ném bom nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng. Ông Liện, bà Thân (cha mẹ bà Thi) canh tác để nuôi dưỡng người em cùng mẹ khác cha là Trần Công Hạnh. Năm 1967, Trần Công Hạnh gửi vợ vừa cưới được 10 ngày về nhà ngoại cùng quê, xung phong nhập ngũ đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Đất ở của Trần Công Hạnh được ông Liện, bà Thân tiếp tục trông nom. Năm 1970 Trần Công Hạnh hy sinh, được công nhận là Liệt sỹ. Vợ Liệt sỹ Trần Công Hạnh chưa có con, đã tái giá năm 1977, vườn và đất ở vợ Liệt sỹ vẫn giao cho ông Liện, bà Thân quản lý để khi nào có điều kiện thì làm nhà thờ cúng Liệt sỹ Trần Công Hạnh và cha mẹ.
Rồi 2 gia đình hàng xóm là ông Lường và ông Trường mượn đất trồng rau. Năm 1983 con trai và con dâu ông Lường là anh Tùng và chị Hường dựng nhà lên ở, ông Liện và bà Thân phản đối thì bị anh Tùng vác dao dọa chém. Nhiều lần ông Liện đề nghị UBND xã Thanh Long can thiệp, nhưng không được giải quyết. Năm 1995, ông Liện có đơn đề nghị UBND xã Thanh Long có biện pháp để chị Hường trả lại đất và vườn để dựng nhà thờ cúng Liệt sỹ, nhưng ông Hoàng Thế Kỷ, Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ cũng không giải quyết, mà lại còn làm thủ tục để 7 tháng sau, đất của Liệt sỹ Trần Công Hạnh bị UBND huyện Thanh Chương cấp “Sổ đỏ” cho người ở nhờ là Trần Thị Hường.
Việc làm sai của ông Hoàng Thế Kỷ, Chủ tịch xã Thanh Long lúc đó làm Liệt sỹ Trần Công Hạnh mất đất xây nhà thờ, hương khói cho Liệt sỹ và cha mẹ Liệt sỹ. Có người bảo sao không thờ ở nhà ông Liện, bà Thân đã có công nuôi dưỡng Trần Công Hạnh từ khi trứng nước đến tuổi trưởng thành nhập ngũ? Nói như thế là không hiểu gì về tâm linh và phong tục, thờ người em cùng mẹ khác cha trong nhà đâu có được?
Vì thế, nỗi đau đáu của ông Liện, bà Thân là đòi lại đất của Liệt sỹ để xây dựng nhà thờ Liệt sỹ. Ông Liện khi nhắm mắt xuôi tay chưa hoàn thành được tâm nguyện; bà Thân hơn 90 tuổi quá yếu đã ủy quyền cho bạn đọc Trần Thị Thi tiếp tục công việc.
Khởi nguồn từ việc làm sai của ông Chủ tịch xã khiến bà Trần Thị Thi từ năm 2007 nhận ủy thác của cha mẹ đến nay, đã bao nhiêu lần không quản thân gái dặm trường, hao tâm tổn sức, hao tiền tốn của ‘đáo công môn’, hết tỉnh Nghệ An lại ra các cơ quan Trung ương như Cục Thương binh- Liệt sỹ và người có công, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ… và nhiều cơ quan thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng của Nghệ An phải họp nhiều cuộc, tham mưu cho tỉnh ban hành bao Văn bản báo cáo lên, chỉ đạo xuống. Các cơ quan Trung ương cũng tốn bao nhiêu Công văn, giấy tờ. Các báo cũng có nhiều bài viết…
Chắc tỉnh Nghệ An cũng cân lên nhắc xuống chuyện trả đất cho Liệt sỹ Trần Công Hạnh, khiến bà Thi ‘mừng’ đôi lần. Như năm 2010, tỉnh gửi Giấy báo tin “để bà biết và chờ kết quả”. Hay như giữa Hội đồng tiếp dân ngày 19/2/2013 ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói: Lần này tỉnh kiểm tra lại để giải quyết trả đất của Liệt sỹ cho gia đình bà Trần Thị Thân (mẹ bà Trần Thị Thi) để làm nơi thờ cúng cha mẹ của Liệt sỹ và Liệt sỹ Trần Công Hạnh thấu tình, đạt lý.
Nhưng, chưa kịp mừng đã ‘hụt’ như đã nói ở đầu bài này, cuối cùng tỉnh Nghệ An không thừa nhận gia đình bà Thi đòi đất “bởi vì xã Thanh Long đã giao thửa đất đó cho gia đình bà Trần Thị Hường và UBND huyện Thanh Chương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Hường”. Ông Hoàng Thế Kỷ đọc câu này hẳn hiểu rằng: Việc ông làm sai khi đương chức, bây giờ vẫn… không được sửa!
Vì thế mà ông hối hận và xin lỗi linh hồn Liệt sỹ Trần Công Hạnh. Nỗi ân hận và lời xin lỗi muộn màng!
Ban Bạn đọc