Chú trọng tuyên truyền phân giới, cắm mốc
Long An có gần 133km đường biên giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia), đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Kiến Tường, tỉnh Long An.
Long An được Ủy ban Biên giới Quốc gia giao cắm 54 vị trí (60 cột mốc chính) và 61 vị trí (85 cột mốc phụ); đồng thời, tiếp nhận quản lý 11 vị trí (25 cột mốc phụ) do phía tỉnh Đồng Tháp bàn giao. Hệ thống mốc phụ gồm 72 vị trí với 110 mốc phụ đã xác định và xây xong trên thực địa (đạt 100% kế hoạch).
Xác định công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành và các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới phối hợp chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc được các cấp, các ngành và các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới phối hợp chặt chẽ. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện qua các kỳ hội nghị báo cáo viên, đăng tải các bài viết về kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trên các phương tiện thông tin đại chúng,...
Các hoạt động tuyên truyền từng bước được đổi mới hình thức, hướng đến nhiều đối tượng ở khu vực biên giới. Đáng chú ý, các mô hình ở vùng biên của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh có sự phối hợp, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các đồn biên phòng thực hiện tốt công tác kết nghĩa với Tiểu đoàn 201, 202, Bộ đội bảo vệ biên giới thuộc Tiểu khu Quân sự 2 tỉnh giáp biên giới Long An cũng như tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động qua lại 2 bên biên giới,... góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng của 2 nước.
“An dân giữ đất biên cương”
Ngoài công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, các mô hình phòng, chống tội phạm và bảo vệ đường biên, cột mốc như Camera giám sát ANTT biên giới; Tiếng kẻng vùng biên; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới;... đã có tác dụng to lớn trong công tác giữ gìn ANTT biên giới, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thời gian qua, Long An đã đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng nhằm hình thành lực lượng tại chỗ hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới; đồng thời, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, nâng cao sức mạnh phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đến nay, tỉnh An Giang đã xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng 113 căn nhà trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, vượt chỉ tiêu Quân khu giao là 73 căn và hoàn thành trước thời gian 3 năm theo đề án của Quân khu.
"An cư, lạc nghiệp", người dân sinh sống trên các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm, biên phòng bắt đầu ổn định cuộc sống với thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/hộ/năm, điển hình như Điểm dân cư xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa; xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng; đặc biệt là Điểm dân cư xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng với 20 căn nhà xây dựng rất khang trang, sạch đẹp. Trong đó, huyện Vĩnh Hưng đầu tư 760 triệu đồng để bảo đảm điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt cho người dân nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo cho biết: Đề án là chủ trương đúng đắn, thể hiện “ý Đảng hợp lòng dân”. Các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng được triển khai xây dựng bảo đảm chất lượng, kết hợp giữa nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP.HCM, địa phương và gia đình được thụ hưởng. 20 căn nhà tại Điểm dân cư trên địa bàn xã Thái Bình Trung được xây dựng gắn liền với sản xuất, được kết nối điện lưới, đảm bảo nước sạch sinh hoạt và hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực dân cư hiện hữu. Các gia đình trong điểm dân cư đều có đất sản xuất tại chỗ, địa phương hỗ trợ việc làm, sinh kế, đảm bảo ổn định đời sống. Những hộ dân trên điểm dân cư cũng tích cực hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới.
Lương Bằng, Anh Dũng, Ngọc Trang