Thời gian qua, Long An đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại và hệ thống trung tâm logistics với định hướng đưa tỉnh này trở thành trung tâm kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong liên kết vùng.

Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng

Nhằm khai thác lợi thế và tiềm năng phát triển dịch vụ logistics, trong quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam bộ.

Theo đó, tỉnh phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia. Tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng logistics tại Cảng Quốc tế Long An.

Hiện, trung tâm logistics tại Cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) đã đi vào hoạt động. Sau 8 năm thi công kể từ năm 2015, mới đây chủ đầu tư đã chính thức hợp long 7 cầu cảng của Cảng Quốc tế Long An, khai trương dịch vụ khai thác hàng container. Tổng chiều dài từ Cầu cảng số 1 đến Cầu cảng số 7 là 1.670m. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng Quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng. Trong đó, 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, 1 trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khi hoàn thành, Cảng Quốc tế Long An có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam với 2.368m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000DWT. Hiện, Cảng Quốc tế Long An đang thực hiện dịch vụ vận tải Feeder Container, với dịch vụ này sẽ kết nối các cảng nội địa và các cụm cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực như Hongkong hoặc Singapore. Thông qua Cảng Quốc tế Long An, dịch vụ này sẽ kết nối hàng xuất từ kho chủ hàng đến các cảng nước ngoài và chiều hàng xuất ngược lại.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại

Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống logistics, thời gian qua Long An còn tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại. Theo đó, Long An khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại.

W-Longan.png
Long An khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có 125 chợ. Trong đó, có 107 chợ nông thôn, 7 siêu thị (4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 3 siêu thị điện máy), 1 trung tâm thương mại, 279 cửa hàng tiện ích, 475 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu và 3 kho xăng dầu…

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Long An đang tập trung thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong, ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, ưu tiên hình thành một số khu thương mại - dịch vụ tại các trung tâm thương mại lớn như TP.Tân An, thị xã Kiến Tường, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.

Tổ chức hệ thống các siêu thị ở các trung tâm đô thị và các khu công nghiệp, du lịch. Đầu tư trung tâm trao đổi nông sản, hàng hóa vùng Đồng Tháp Mười. Hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện phát triển giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nông dân.

Cửu Long