Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mục tiêu mà tỉnh Long An hướng đến nhằm tạo những giá trị mới trong quản lý, vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH. Chuyển đổi số (CĐS) đang được triển khai, thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Theo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số chuyển đổi số của Long An tăng dần qua các năm (năm 2020 xếp hạng 27, năm 2021 xếp thứ 21, năm 2022 đứng thứ 11 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước).
Thực hiện Năm dữ liệu số quốc gia, trong năm qua, Long An đã thực hiện và hoàn thành 26/34 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tỉnh đã tiên phong trong việc tổ chức triển khai số hóa hồ sơ để mang lại hiệu quả đột phá về tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến.
Tính đến cuối năm 2023, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp trên 1.570 dịch vụ công; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt gần 96%. Ngoài ra, các nhiệm vụ về Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số; Chính quyền số, Kinh tế số; Xã hội số; an toàn thông tin mạng,…được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng.
100% sở, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân các cấp đã triển khai sử dụng đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính; 100% sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng.
Long An còn xây dựng, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương (đã triển khai được 22 dịch vụ). Bên cạnh đó, tỉnh triển khai kết nối 6 dịch vụ vào các hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành thông qua LGSP. Các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu được kết nối vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước, vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và cung cấp thông tin, dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm nay tỉnh đã Công bố kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2023 của Sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh Long An công bố chỉ số này, để làm cơ sở đánh giá, nâng cao công tác chuyển đổi số ở những năm tới. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Cần Giuộc là 2 đơn vị dẫn đầu chỉ số DTI năm nay.
Để đạt tiếp tục được những mục tiêu xa hơn, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hoà, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương phải đề cao vai trò người đứng đầu; đặc biệt phải tham chiếu với các chỉ số của bảng xếp hạng DTI để có kết quả điều chỉnh, thay đổi và khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là việc nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến; Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng cho các bộ làm công tác chuyển đổi số, gắn với việc đầu tư hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, gắn với Đề án 06, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đối số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Cửu Long