Nằm trong vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, Long An có các loại cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng. Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn được triển khai thực hiện thành công trên diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá của tỉnh.

W-Minhhoa.png
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá của tỉnh Long An.

Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện thành công trên diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá lớn: lúa 59.672 ha; rau 2.072,26 ha; thanh long 5.700,67 ha; chanh 3.738 ha; tôm 69,35 ha. Toàn tỉnh hiện có 180 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (47 sản phẩm 4 sao, 133 sản phẩm 3 sao).

Theo Sở Công thương tỉnh, Long An hiện có 14 danh mục sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, gồm: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào; gạo huyết rồng Long An; nếp Long An; thanh long Long An; khóm Bến Lức; dưa hấu Long An; chanh không hạt Long An; đậu phộng Đức Hòa; chuối Fohla; ổi Đức Hòa; cốm ngò Cần Giuộc; mắm cá lia thia Đức Huệ; bánh tét Thủ Thừa; trống Bình An.

Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Long An chú trọng đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản.

Lũy kế đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 282 hợp đồng cung ứng hàng hóa với doanh nghiệp các tỉnh, TP.HCM. Ước tính, từ 2021 đến nay, hỗ trợ khoảng 1.515 lượt doanh nghiệp (trung bình 430 lượt/năm) tham gia 60 sự kiện kết nối giao thương, tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến trong và ngoài nước.

Hiện tỉnh Long An đã triển khai các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh. Có 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gồm: Bưu cục giao dịch trung tâm - Bưu điện thành phố Tân An, Mỹ Quỳnh Safari, Hộ kinh doanh cơ sở lạp xưởng Cô Châu; 24 DN của tỉnh hợp tác với Central Retail Việt Nam; 30 DN của tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba.com.

Nhiều hàng hóa nông sản của tỉnh tham gia, duy trì cung cấp vào các kênh phân phối tại TP.HCM như chợ đầu mối Bình Điền khoảng 200 tấn/đêm; chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 140-160 tấn/đêm; cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng, các chuỗi cửa hàng tiện ích tại TP.HCM.

Cùng với đó, thời gian qua, Sở duy trì mối liên hệ thường xuyên với các hệ thống phân phối như Co.opMart, Go!, San Hà, siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang), các chợ đầu mối,… để kết nối tiêu thụ, tăng lượng mua hàng hóa nông sản của địa phương. Lũy kế đến nay, các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện được 282 hợp đồng cung ứng hàng hóa với DN các tỉnh và TP.HCM.

Nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, hỗ trợ kết nối giao thương tìm thị trường đầu ra cho nông sản, Sở Công thương Long An cho biết, những tháng cuối năm nay, Long An sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như phối hợp Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu Long An năm 2024 (tháng 11/2024); triển khai hỗ trợ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tham gia kết nối cung cầu tại siêu thị Tứ Sơn ở An Giang, TP.HCM…