Thực hiện Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược), nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả nổi bật, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với tỷ lệ chung của cả nước.

Thực hiện Chiến lược, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 172, ngày 4/8/2020, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Tham mưu trình HĐND tỉnh lồng ghép các mục tiêu phát triển tài chính toàn diện vào Nghị quyết về phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025. Tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang và các tổ chức tín dụng, các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới, dịch vụ ngân hàng; triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…

Cùng với đó, các ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng như tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tín dụng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong thực hiện các khâu đột phá về phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển KT-XH dựa trên nguồn vốn tín dụng ngân hàng như: Chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, đặc trưng hàng hóa; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành; chính sách khuyến khích phát triển du lịch…

Đặc biệt, tỉnh đã chủ động lồng ghép các chỉ tiêu về dịch vụ thanh toán trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, nộp thuế, học phí, viện phí, chi trả an sinh xã hội. Đến nay, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được người dân trên địa bàn sử dụng ngày càng phổ biến như: Ví điện tử, Internet banking, Mobile banking, QR code…

Việc phát triển mạng lưới hoạt động ngân hàng được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 17 tổ chức tín dụng đang hoạt động với 66 chi nhánh, phòng giao dịch. Có 2 tổ chức trung gian thanh toán là Viettel Pay và VNPT Pay. Có 44 máy ATM, 157 máy POS, số đơn vị trả lương qua tài khoản là 1.468 đơn vị với 39.585 tài khoản. Tính đến 30/6/2022, tổng đầu tư tín dụng cho nền kinh tế đạt 27.750 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2021 tăng 2.804 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,2%.

Hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, tỉnh đã triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên cổng dịch vụ công của tỉnh cho trên 500 dịch vụ công trực tuyến. 49,52% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; 2,75% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thanh toán học phí qua ngân hàng; 25,5% người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cá nhân; 100% doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi với các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất phù hợp…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay Hà Giang đã hoàn thành trước thời hạn 2/7 chỉ tiêu cơ bản, gồm: Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ đối với nền kinh tế chiếm 56% (vượt mục tiêu của Chính phủ); số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 37,8% (mục tiêu đề ra là 20 – 25%). Các chỉ tiêu khác đang thực hiện theo đúng kế hoạch.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng với đặc thù của một tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện; còn những địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được việc triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng internet. Hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều; các máy ATM, POS chủ yếu ở khu vực thành phố. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng do năng quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, do đó chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng… Đây là những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu của Chiến lược là để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế.

Tuấn Anh, Anh Dũng, Thanh Bình