Phát triển nông nghiệp hiện đại
Thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, UBND huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều người dân tự nguyện hiến đất đai, tài sản, ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Trong đó, quan tâm phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay.
Điểm sáng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở huyện Long Phú là mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa... từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Hợp tác xã Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú đã triển khai canh tác lúa thông minh từ nhiều vụ trước. Ngoài máy sạ cụm, hợp tác xã còn áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt - khô xen kẽ...
Canh tác khoa học giúp thành viên hợp tác xã giảm trên dưới 30% lượng phân bón, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh hại, lúa đẻ nhánh to và nhiều. Cây lúa cứng cáp nên dễ thu hoạch, ít bị hao hụt. Các hộ còn tiết kiệm 30 - 40% lượng nước bơm vào ruộng nên chi phí, công sức cũng giảm theo.
Nhờ sản xuất hiệu quả, Hợp tác xã Hưng Lợi đang thu hút hơn 500 hộ thành viên, canh tác trên cách đồng liên kết sản xuất hơn 600 ha và 100% nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Trên cánh đồng rộng hàng trăm ha, các thành viên hợp tác xã đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ biện pháp canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, huyện Long Phú cũng đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hợp tác xã cây ăn trái Trường Phát, xã Phú Hữu là đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất hiện đại, xây dựng sản phẩm thế mạnh. Bưởi da xanh của hợp tác xã đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, mang lại giá trị cao.
Để có được thành công hiện tại, hợp tác xã luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, canh tác theo hướng bền vững. Cụ thể, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.
Trung bình mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 500 tấn sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho thành viên và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, an sinh xã hội. Đặc biệt là góp phần giúp địa phương hướng đến xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Các hợp tác xã, các chủ thể đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm còn lại đạt 3 sao.
Những thành công trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành động lực xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Phú. Sau hơn 11 năm triển khai, diện mạo nông thôn của huyện đã và đang có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân có nhiều cải thiện.
Phát huy vai trò dân vận trong xây dựng nông thôn mới
Huyện ủy Long Phú đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy và các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đông đảo tầng lớp nhân dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Huyện ủy Long Phú đã chỉ đạo khối dân vận các xã, thị trấn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Thông qua công tác dân vận, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã nâng lên rõ rệt. Năm 2022, Ban Dân vận Huyện ủy Long Phú phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như:
Vận động hiến đất xây dựng trụ sở Ban Nhân dân ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh, diện tích 500 m2; chăm sóc hoa kiểng tuyến đường nông thôn mới nâng cao tại ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh chiều dài 580 m. Vận động xây dựng đoạn đường xanh - sạch - đẹp với chiều dài 1.350 m tại ấp Sóc Dong; vận động nông dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng 1 cây cầu trị giá 115 triệu đồng…
Phát động 61/61 khu dân cư thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2022 đạt 100%. Có 24.196/25.341 hộ gia đình đăng ký thực hiện các danh hiệu văn hóa, đạt 95,48%.
Tổ chức lễ ra mắt Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh và Khu dân cư bảo vệ môi trường tại ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú. Xây dựng Công trình thanh niên tuyến đường “Thắp sáng đường quê” tại ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh với tổng chiều dài 3,8 km, gồm 125 trụ đèn điện chiếu sáng với tổng kinh phí 140 triệu đồng…
Phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua trên địa bàn huyện Long Phú đã góp phần rất lớn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, phong trào còn giúp các địa phương trong huyện tiếp tục duy trì hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân gắn với các mô hình cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhờ phát huy tốt vai trò của công tác dân vận, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Phú được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó, phát huy nội lực sức dân, xây dựng lộ trình cụ thể đưa các địa phương trong toàn huyện vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn huyện có 5/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, cùng với công tác dân vận, huyện dự kiến tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Huyện cũng sẽ tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Từ đó xây dựng thương hiệu gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, áp dụng quy trình sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp, liên ấp nhằm tạo sự thay đổi đột phá diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức thụ hưởng trực tiếp cho người dân địa bàn nông thôn.