Về công tác nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, huyện Long Phú thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức góp phần tuyên truyền, lan tỏa đến người dân chung tay thực hiện nhiệm vụ cùng địa phương, giúp huyện nhà sớm đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra.
Tại các lớp tập huấn, học viên được triển khai các nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; xây dựng nông thôn mới thông minh; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân.
Cùng với đó, cập nhật, triển khai kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; các hoạt động hưởng ứng công tác chuyển đổi số quốc gia; tuyên truyền về hiệu quả chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; sự cần thiết, lợi ích của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp, người dân, xã hội... Đặc biệt là phát triển kinh tế số và xã hội số; giới thiệu những giải pháp, xu hướng, công nghệ mới giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; những cơ hội và thách từ việc chuyển đổi số quốc gia….
Điển hình là Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Phú phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nông thôn mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ số; xây dựng nông thôn mới thông minh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn huyện. Tham gia lớp tập huấn có trên 120 học viên là Phó Chủ tịch UBND các xã, cán bộ, công chức và Trưởng ban Nhân dân các ấp của các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trước đó, tháng 5/2024, huyện Long Phú phối hợp với Chi nhánh Viettel Long Phú và UBND xã Tân Thạnh tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 50 đại biểu là thành viên Tổ công nghệ cộng đồng 07 ấp trên địa bàn xã Tân Thạnh. Qua chương trình tập huấn, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tân Thạnh đã nhận thức đúng và đầy đủ về chuyển đổi số từ đó tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân về chuyển đổi số, kinh tế số mang lại những lợi ích thiết thực phục vụ cho chính đời sống của người dân.
Bên cạnh các lớp tập huấn, huyện Long Phú đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác nông thôn mới.
Năm 2023, huyện thành lập 61 Tổ công nghệ số cộng đồng của các ấp, với 427 thành viên tham gia và 307 nhóm Zalo tại các khu dân cư, với 4.664 thành viên. Xây dựng 1 mô hình thí điểm “Đoạn đường thanh toán không dùng tiền mặt” tại thị trấn Long Phú; xây dựng 2 trung tâm chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử có sử dụng chữ ký số đối với cấp huyện đạt 98%, đối với cấp xã 77,4%, so với chỉ tiêu Nghị quyết là 80% đối với cấp huyện và 60% đối với cấp xã.
Ông Hồ Quốc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Phú thông tin: “Ngành phối hợp tuyên truyền trên 900 cuộc, có gần 54.000 lượt người dự; kết hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Truyền thanh tuyên truyền trực quan 13 pano, 15 băng rôn, 15 lượt xe phóng thanh tuyên truyền lưu động với chiều dài khoảng 1.200km; xây dựng các chuyên mục về chuyển đổi số phát trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn 02 buổi/ngày, với thời lượng từ 5 - 10 phút, viết tin, bài đăng trên Cổng thông tin của tỉnh và huyện".
Ngành văn hóa và thông tin còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền thông qua môi trường số, mạng xã hội, nhóm Zalo, Facebook. Vận động hướng dẫn người dân thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR tại các cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương... Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí 728 triệu đồng trang bị hệ thống mạng nội bộ, hệ thống loa truyền thanh thông minh và các cụm loa không dây đã được phủ sóng trên toàn địa bàn.
Thời gian tới, huyện Long Phú đẩy mạnh triển khai các dịch vụ về kinh tế số; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của địa phương, nhất là sản phẩm OCOP; khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các chủ thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, làng nghề ở những nơi có điều kiện.
Đẩy mạnh quảng bá các địa điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thông qua Youtube, Facebook; Long Phú Ngày mới của huyện; Cổng thông tin điện tử; Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu dân cư… Tuyên truyền, quảng bá, khai thác có hiệu quả các ứng dụng Thư viện thông minh, App Bảo tàng thông minh; Sóc Trăng Trade… và tạo sức lan tỏa trong cán bộ và nhân dân trong huyện.