Hàng ngày, cứ đọc báo, nghe đài, lướt facebook, điều dễ nhận thấy là dường như con người bây giờ đối xử với nhau bạo lực hơn. Chả phải vì thời nay báo chí nhiều, mạng xã hội phát triển giúp công chúng biết được có nhiều vụ gây gổ, đâm chém, đánh đập nhau, mà căn bản là tính hơn thua, bạo lực ở con người thời hiện đại, thời của bon chen, tranh đoạt đã tăng lên.

Lối hành xử của kẻ mạnh

Từ trong gia đình, ra đến xã hội, thậm chí là trường học, dường như ở đâu cũng có tình trạng bạo lực xảy ra. Trong đó, bạo lực gia đình (vợ - chồng; cha mẹ - con cái, anh em ruột rà…) chiếm phần nhiều.

{keywords}
Nữ sinh quỳ gối nhận sai nhưng không được chủ shop Mai Hường ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) tha thứ

Số liệu của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (1900969680) đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi - tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.

Tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của phụ nữ phía Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người).

Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng nguy cơ cao nhất của tình trạng bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực nói chung  trong xã hội.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng phần lớn là do lối hành xử của kẻ mạnh. Mạnh cả về sức khỏe (đàn ông), mạnh về lực lượng, bầy đàn (trong các vụ đánh ghen, học sinh đánh nhau vì ganh ghét, tranh giành người yêu…), về quyền và tiền (ông chủ, bà chủ, kẻ có tiền muốn thể hiện quyền lực nơi đám đông…).

Cổ nhân dạy “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người sinh ra căn bản là thiện). Theo thời gian, sự tác động của cuộc sống mới sinh ra kẻ dữ - người hiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” là muốn nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách đạo đức của con người.

Ai đã qua một thời trẻ thơ phải sống trong cảnh thiếu thốn của thời bao cấp mấy mươi năm trước đều khó có thể quên cái đói cồn cào mỗi buổi chăn trâu, thèm từ củ khoai, củ sắn, đến khúc mía, trái xoài xanh, quả ổi chát… Đi chăn trâu, chăn bò mùa đông lạnh buốt, chuyện moi trộm khoai để nướng, bẻ trộm khúc mía ven đường, hay trộm xoài là chuyện thường của đám trẻ con.

Cũng có người la mắng, nhưng không ít người đã nhẹ nhàng chờ cho “đứa trộm xoài” từ từ trèo xuống đất an toàn mới lên tiếng. Vì nhỡ nó sợ, nó nhảy xuống đất gãy chân thì sao? Thay vì đánh mắng, ông chủ vườn chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, rồi còn cho mấy quả mang ra cho đám bạn đang chờ ngoài bãi chăn trâu.

Tính thiện và lòng vị tha

Sống thiện và vị tha là một trong những đức tính đáng quý của người Việt Nam. Với kẻ xấu, có thể đánh, cũng có thể tha. Người phạm lỗi có thể cố ý, có thể vô tình, có thể do nhận thức chưa đầy đủ. Kẻ trộm cũng vậy.

Lười biếng, không làm nhưng muốn có ăn - đi ăn trộm cũng có. Nhưng túng quá hóa liều, trộm từ cái bánh, mẩu xôi cũng có. Trong nhà cũng vậy mà ngoài xã hội cũng thế. Tha thứ hay không tùy thuộc lòng nhân từ, độ lượng của mỗi người và thái độ thành khẩn, biết sai, hối lỗi của người vi phạm.

{keywords}
Vợ chồng chủ shop Mai Hường bị bắt và khởi tố

Một bé gái 15 tuổi được đi học, hẳn cũng biết lấy trộm đồ là sai, là xấu. Nhưng có lẽ vì cha chết, nhà nghèo, nghĩ đến người mẹ bệnh tật, lao động quần quật vẫn không đủ nuôi 4 chị em, thích cái váy quá mà không  dám xin mẹ, trong một lúc thiếu suy nghĩ, đã tặc lưỡi, lấy trộm của cửa hàng. Khi nhận ra sai trái thì đã muộn. Chỉ biết thành tâm đến xin lỗi, mong được người lớn tha thứ và đền tiền. Thế nhưng người lớn đã cư xử ra sao?

Thay vì chấp nhận lời xin lỗi, khuyên các cháu về lẽ đúng sai, cho các cháu một bài học làm người, họ đã không tiếc lời chửi bới, đánh đập, vạch mặt để quay clip, cầm kéo cắt tóc, cắt dây áo ngực để làm nhục, rồi còn đe dọa, trấn lột tiền gấp 100 lần chiếc váy của những đứa trẻ nghèo.

Họ vẫn không chịu bỏ qua, ngay cả khi bố mẹ chúng đã đến nhà xin lỗi, nhận trách nhiệm!

Con dâu “trẻ người non dạ” đã đành một nhẽ. Sao bà mẹ chồng có tuổi cũng tiếp tay một cách thản nhiên. Những người làm mẹ, làm bà sao không ai mảy may thương xót cho một đứa trẻ đã quỳ mọp xuống nền nhà gào khóc van xin tha thứ. Thật đáng lo cho lòng dạ con người!

Giới kinh doanh buôn bán bây giờ, nhà ai mà không thờ cúng thánh thần, tháng nào mà chẳng lên chùa niệm Phật. Chắc chả mấy ai tiếc tiền trăm, tiền triệu sắm lễ cầu xin. Nhưng chỉ vì cái chân váy 160.000 đồng, bằng mấy bát phở sáng, mà cả nhà nhẫn tâm chà đạp một con người. Thử hỏi thần Phật của họ ở đâu?

Cái sai của cháu bé đã có pháp luật điều chỉnh. Thậm chí nếu luật không có, chỉ cần sống đúng là người lớn, có bản thiện, biết vị tha, chúng ta cũng có thể xử lý vụ việc một cách nhẹ nhàng. Chẳng những không mất của mà còn giúp cho cháu bé một bài học làm người.

Biết đâu, bài học từ cái lỗi nhỏ được tha thứ ấy sẽ trở thành hành trang giúp cháu lớn lên thành người sống biết trước biết sau, lo học hành, lao động để sống và làm người chân chính. Mà chủ shop, qua đó cũng tích thêm chút công đức cho con, cho cháu, tạo nên tiếng thơm cho việc kinh doanh.

Thế mới biết, dẫu sinh ra vốn “tính bản thiện”, nhưng muốn thành người thiện thì phải học, phải rèn.

Vợ chồng chủ shop rồi phải trả giá cho hành vi thiếu tính người của mình khi hành hung, làm nhục, trấn lột người khác bằng một bản án nào đó của tòa. Nhưng bản án của lương tâm, của triết lý làm người thì chẳng bao giờ có thời hạn để đếm đo!

Vân Thiêng

Hết 'mày biết tao là ai không' đến 'ông đi tới đâu tôi theo tới đó'

Hết 'mày biết tao là ai không' đến 'ông đi tới đâu tôi theo tới đó'

Trong sự biến đổi quay cuồng của hệ giá trị xã hội thì lòng khiêm cung, biết tôn trọng người khác, cố gắng tuân thủ pháp luật... là những giá trị bất biến.