Ngay giữa Sài Gòn vẫn có học sinh vừa ngồi trong lớp học vừa phải trông em. Có em sáng đi học chiều đi nhặt ve chai, có em hàng sáng phải chèo phao xốp từ căn chòi ở giữa ao ra đường lớn để đi học. Có 3 chị em ở 3 độ tuổi ngồi chung một lớp. Có cậu bé 12 tuổi mới đi lớp 1 – sáng đi học chiều về nhể ốc, xếp rau phụ mẹ…
Tất cả đang quần tụ trong một trung tâm dạy học thiện nguyện - Trung tâm phát huy Bình An, nằm trong con hẻm nhỏ, tại số 3153/24, đường Phạm Thế Hiển, Quận 8, TPHCM.
Trung tâm phát huy Bình An thuộc tổ chức Bạn trẻ em đường phố (FFSC) – nơi dạy học miễn phí cho tất cả các trẻ không thể theo học tại các trường tiểu học chính quy.
Hơn 200 đứa trẻ đang theo học tại đây đều là dân nhập cư, gia đình đa phần nghèo xác xơ, có em đã lớn hơn nhiều so với độ tuổi đến trường, nhiều em phải đi làm phụ giúp bố mẹ, rất nhiều trong số chúng không biết tuổi thật của mình vì không có giấy khai sinh... Kéo được các em đến trường đã là một kỳ công.
Trung tâm hiện đang dạy cho hơn 200 em từ lớp mẫu giáo đến lớp 5. Các bé mẫu giáo cũng được trung tâm hỗ trợ đồng phục tươm tất như các anh chị lớn. |
“Tôi vừa mới chạy đến nhà học sinh xem tại sao nó lại nghỉ học đây. Thương tụi nó thì mình mới làm, chứ nó nghỉ hay không chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Cho chúng nó đến trung tâm chúng nó còn học cái này cái nọ, còn có bạn để chơi cùng. Chứ để ở nhà thì cờ bạc, nghiện ngập đầy ra đấy” – Sơ Đặng Thị Thu Hạnh, quản lý của trung tâm, mau mắn kể.
Dù sống với bố mẹ hay ở trong một gia đình ly tán, thì điểm chung của học sinh ở trung tâm là quá nghèo |
Sơ Hạnh "than thở": "Ở đây học sinh cứ nghỉ bất thình lình vì nhiều lý do lắm. Có mẹ vừa bảo tôi sẽ cho con nghỉ đến hết Tết âm lịch luôn vì phải đi làm xa, không đưa con đi học được. Tôi đã bày cách để con vẫn có thể được đi học, mà mẹ cháu không chịu. Mình đã tạo điều kiện để qua sông mà không qua, nên lắm lúc cũng giận".
Người quản lý và thầy cô ở đây còn lắm khi phải "giận" phụ huynh vì những lý do rất... đáng giận: Giận khi các bậc cha mẹ thờ ơ với chuyện cho con cái đến lớp (dù là học miễn phí), giận vì cha mẹ bán cả xe mà trung tâm tặng cho trẻ đi học…
"Cũng có gia đình học sinh được bố mẹ quan tâm, nhưng ít lắm. Phần nhiều là cha mẹ thờ ơ vì quá bận rộn mưu sinh hay làm những việc gì đó khác.
Có bé học lớp 5 nghỉ cả tuần nay, tôi chạy qua nhà 2, 3 lần mà không gặp. Tới hôm nay gọi điện phụ huynh mới chịu bắt máy...
Có học sinh nghỉ không lý do, tôi đến tìm thấy hai mẹ con đang chơi bài với nhau. Hỏi sao cho con nghỉ học mẹ bảo bệnh. Mà học sinh có bệnh hay không là mình biết chứ".
"Nói đến khó khăn thì nhà đứa nào cũng khó khăn hết. Bố mẹ đi làm, không biết con đi chơi đâu làm gì, con không đi học cũng không biết" |
Có bao nhiêu tiệm games trong vùng sơ Hạnh biết hết, vì chỗ nào cũng đã tìm đến để “lôi” học sinh về. “Đến cả nhà học sinh đi trốn nợ ở đâu, tôi còn tìm ra được. Phụ huynh mở của nhìn thấy tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên hỏi “Chỗ nào bà cũng biết hết à?”".
Tôi bảo phụ huynh là bây giờ để các em nghỉ học để phụ giúp bố mẹ là chuyện nhỏ. Đúng là nó đi học thì không phụ giúp bố mẹ như khi nó nghỉ học, nhưng mình phải tạo cơ hội cho con cái, vì sau này chúng cũng còn có con cái của chúng nữa”. |
Sơ Hạnh cho biết học sinh ở đây em thì có bố mẹ đi tù, em thì bố mẹ nghiện ngập, cờ bạc... đủ hết. Cũng có những em hoàn cảnh vô cùng đáng thương.
Phạm Nhật Hào đã làm các bạn học sinh của Trung tâm xúc động trong ngày 20/11 vừa qua, khi phát biểu trước các bạn học. “Lúc mời em nói, tôi cứ tưởng em sẽ nói về việc học của mình và hứa sẽ cố gắng hơn. Không ngờ, em lại kể chuyện mẹ mất từ khi em còn nhỏ, cha bỏ đi, em ở với ngoại. Ngoại cũng vừa mới mất, em ở với dì. Em vừa kể vừa khóc, vừa nói rằng mình phải ráng đi học” - sơ Hạnh xúc động nhớ lại.
Với nhiều đứa trẻ ở Trung tâm, thời gian đi học chính là khoảng thời gian các em được vui chơi và cả... nghỉ ngơi nữa. |
"Tôi vẫn luôn dặn các em rằng bản thân các em phải luôn tâm niệm là mình phải vươn lên, phải cố gắng mới vượt qua được. Nếu cứ thấy khó mà bỏ cuộc thì sẽ không bao giờ khá hơn được".
Trung tâm đang dự định mời một thầy giáo khiếm thị, có rất nhiều học sinh đỗ đại học, đến nói chuyện với học sinh của trung tâm. "Thầy đến chia sẻ, để học sinh tự thấy tâm gương vượt khó khăn mà noi theo".
Tiếng Anh là giờ học rất vui. Thầy giáo Rick (người Mỹ) đã dạy tình nguyện ở đây được 3 năm. Mỗi tuần một buổi, thầy đạp xe hơn 10 km đến dạy. Ngoài thầy Rick còn một giáo viên tình nguyện người Pháp, một giáo viên tình nguyện người Việt tới dạy Tiếng Anh cho các em |
Nhân vật đặc biệt ở trung tâm là một cậu bé năm nay 3 tuổi. Bé được mẹ gửi tới đây từ khi mới lẫm chẫm biết đi.
Mới 3 tuổi, nhưng cậu bé này đã có 2 năm "mài đũng quần" ở trung tâm, xem các anh chị học chữ. Anh của em là Lê Minh Tú (14 tuổi), đang học lớp 3, ngoài ra còn một cậu em học lớp 1. Nhà Tú có 3 anh em, trước đây Tú không được đi học vì phải trông em cho cha mẹ đi làm thợ hồ. Các sơ ở trung tâm phải vận động nhiều lần cha mẹ mới cho Tú đi học với điều kiện “vẫn phải trông em”. Đó là lý do cậu bé này có mặt ở trung tâm cùng hai anh của mình. |
Nhà của ba chị em Lê Thị Kim Ngân, Lê Thị Kim Yến, Lê Thị Kim Phụng có tới 12 anh chị em. Ngoài ba chị em đang cùng học lớp 2 còn 2 người nữa đang học ở trung tâm. Các sơ đến vận động cha mẹ các em từ 5 năm trước, nhưng cách đây 2 năm cha mẹ mới đưa các em tới học.
Sơ Hạnh đang buộc lại tóc cho Kim Yến. Kim Phụng đứng bên cạnh và Kim Ngân ngồi phía dưới. Cả 5 chị em các bé đang học ở đây mà chẳng đứa nào có giấy khai sinh. Mới được cha mẹ đưa đến trường năm ngoái nên dù không cùng tuổi ba chị em vẫn ngồi cùng một lớp. |
Ở trung tâm có Phùng Thanh Quân là một cậu bé chăm chỉ. Buổi sáng đi học, buổi chiều Quân đi lượm ve chai. Quân ở Sài Gòn với cậu, mẹ thì ở Vũng Tàu. Thỉnh thoảng mẹ Quân lại bắt về. “Nhưng em không muốn về ở với mẹ vì ở đấy không được đi học, cũng không được chơi…”.
Sau buổi học Quân sẽ đi lượm ve chai. Em đi tận cao tốc Trung lương, Nhà Bè, Cát Lái… Có những lúc phải ráng hết sức để lôi những mẩu sắt vụn ra khỏi đống xà bần. "Không nhặt ve chai bây giờ, mai mốt con cũng phải làm thôi". |
Nhà Thạch Kim Tuyền có 4 anh chị em đang học ở Trung tâm. Nhà ở tận An phú Tây, cách Trung tâm 8 km, hàng ngày 4 anh chị em đạp xe chở nhau đi học. Hôm nay cậu em bị đau chân phải nghỉ học, nên chỉ còn 3 anh em đưa nhau đi. |
Hồ Thị Thu An cũng là một trường hợp "lạ". Mẹ bỏ đi đã từ lâu, em được một người phụ nữ tốt bụng nhận nuôi. “Trước đây học trường tiểu học Phan Đăng lưu đến lớp 2, sau em chuyển sang trường Huy Đức phải xuống lớp 1. Rồi khi chuyển về Trung tâm em lại học từ… lớp mẫu giáo. Nhà chuyển nhiều, nghỉ học nhiều quá nên em chẳng nhớ tí kiến thực nào. Bây giờ em đã học tới lớp 5, em 13 tuổi". |
Lương Vũ Linh (áo kẻ) năm nay 12 tuổi nhưng mới học lớp 1. Ở độ tuổi lẽ ra tới trường học thì Linh ở nhà luộc và khều ốc giúp bố mẹ. Khều mỗi kg thịt ốc, em được trả công 3.000 đồng. Bây giờ về nhà, rới cặp sách là Linh vẫn nhể ốc, xếp rau cho mẹ đi bán. |
Bà nội Nguyễn Thị Hảo của hai bé Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Nguyễn Thị Ngọc Hiền hàng ngày đạp xe ba gác đưa, đón cháu đi học. Chiếc xe này cũng là phương tiện kiếm sống của bà - bà vừa nhặt, vừa mua bán ve chai. Có khi hai bé ngủ ngon lành trên xe bà nội khi tới trường.
Bà nội 61 tuổi hàng ngày hai lượt đưa - đón các cháu đi học trên chiếc xe ba gác - cũng là phương tiện mưu sinh của mình |
Đỗ Bảo Quý (8 tuổi, quê An Giang) ở cùng cha mẹ ở chòi lá trên một ao cá tại giáp ranh Q.8 và huyện Bình Chánh (TPHCM). Cha mẹ em từ An Giang lên TPHCM mướn ao để trồng rau, nuôi cá và bán trái cây dạo để mưu sinh. Con đường đến trường của Đỗ Bảo Quý luôn bắt đầu trên một chiếc phao xốp buộc tạm bợ, sáng sáng mẹ chở em vào bờ rồi từ đó đi thêm khoảng 3km nữa để tới trường.
Chưa bao giờ Quý Nghỉ học, và ước mơ của em thì vô cùng giản dị: trở thành một công nhân giỏi. |
Trong lúc theo Quý về nhà để "xem ba mẹ nó cãi nhau như thế nào mà nó buồn", sơ Hạnh chùng giọng tâm sự, "Ở đây nhiều khi thầy cô cố gắng mà học sinh không cố gắng thì cũng không biết làm sao. Trong gia đình mà bố mẹ không quan tâm sẽ bỏ bê việc học của con, làm nhiều khi chúng tôi buồn muốn chết luôn. Như khi có học sinh đã học tới lớp 5, chỉ còn vài ngày nữa là tốt nghiệp tiểu học, vậy mà đùng một cái bỏ học. Lúc đó, mình có cảm giác như bao công sức của mình, của các thầy cô ở trung tâm vừa bị đem bỏ sông bỏ bể...".
Điều sơ Hạnh trăn trở là hiện nay hơn 30 học sinh của trung tâm chưa có giấy khai sinh, dù trung tâm đang cố gắng tìm cách hỗ trợ.... Không có giấy khai sinh thì dù có học xong chương trình tiểu học ở trung tâm các em cũng không có cơ hội được vào một trường THCS.
"Trung tâm chỉ giúp được các em 5 năm tiểu học. Mà các em thì cần phải học lên nữa, để có cơ hội được học tập, trở thành một người có ích cho xã hội, và quan trọng hơn hết là có cơ hội để thay đổi cuộc sống quá vất vả hiện thời....".
Ngân Anh - Ảnh Đinh Quang Tuấn