Hơn mười năm nay, cô và trò điểm trường mầm non Đán Tọ (Trường Mầm non Tà Mung) đang dạy và học trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất. Các học sinh hàng ngày học tập trong không gian lớp học được ghép từ những tấm tôn. 

Điểm trường Đán Tọ nằm cheo leo giữa ngọn đồi, xung quanh bao phủ bởi rừng cây. Con đường từ trung tâm xã đến với điểm trường Đán Tọ trải qua những cánh đồng, những con đèo uốn lượn. Điểm đặc biệt của Đán Tọ là nơi sinh sống của bà con người dân tộc Mông

Vì điều kiện địa hình khó khăn di chuyển đến điểm trường chính, nên điểm trường Đán Tọ được xây dựng để các thu hẹp khoảng cách di chuyển của các học sinh.

W-z5238732261702-242bde88fac07d9f95192a669c4b5dbc-1-1.jpg
Điểm trường Đán Tọ nằm giữa quả đồi, xung quanh là rừng cây và những nóc nhà truyền thống của người Mông.

Gắn bó với điểm trường hơn mười năm, cô Mùa Thị Hụa rất hiểu những khó khăn, thiếu thốn khi mang con chữ đến với bản Mông Đán Tọ. 

"Năm 2014, tôi bắt đầu vào Đán Tọ dạy học, lúc bấy giờ, điểm trường này vẫn còn là vách đất. Mùa mưa nước dột, nắng thì nóng nực. Sau đó, các nhà hảo tâm tặng điểm trường lắp ghép từ những tấm tôn. Dù đã cải thiện nhiều nhưng theo thời gian, điểm trường bằng mái tôn đã xuống cấp. Vào hôm trời mưa, mái nhà bị dột, mùa nóng các em rất vất vả vì nhiệt độ trong phòng tăng cao", cô Mùa Thị Hụa chia sẻ. 

Mỗi ngày của cô Hụa bắt đầu từ 7h khi đón các học sinh và giảng dạy theo giáo trình. Hơn một thập kỷ gắn bó với những đứa trẻ ở bản Mông ở Đán Tọ cô Hụa nhận thấy cuộc sống và chất lượng giáo dục tại đây vẫn còn nhiều khó khăn, cần nhiều sự quan tâm từ các nguồn lực xã hội. 

W-z5260180271151-5888e705a518d2fe4a6e8392aa82311d-1.jpg
Cô Mùa Thị Hụa chia sẻ những khó khăn khi dạy học tại điểm trường hơn 10 năm. 

"Học sinh ở đây có đều thuộc hộ nghèo, để đến trường đã là một quá trình nỗ lực của nhà trường và chính quyền. Mỗi lần các em xem những điểm trường khang trang khác, dù không ai nói ra nhưng tôi hiểu, các em luôn mong muốn được trải nghiệm một không gian học tập tiện nghi hơn", cô Mùa Thị Hụa chia sẻ. 

Phòng học của những em bé Mông ở Đán Tọ đơn sơ nhưng lung linh sắc màu. Cô và trò nơi đây tự tay làm những giáo cụ trực quan từ tấm bìa cát-tông, gỗ và những vật dụng lấy từ núi rừng. 

Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tà Mung, cho biết, những năm qua, dù được các cấp quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhưng hiện nay nhiều điểm trường vẫn chưa đảm bảo cho việc dạy và học. Trong đó, điểm trường Đán Tọ là nơi duy nhất của xã các em học sinh vẫn phải học bằng nhà ghép tôn.

W-z5260180229600-fb7cd213af7ac022bdafba71e08f83d4-1.jpg
Giờ tan trường của những em bé bản Đán Tọ, xã Tà Mung.

"Trường Mầm non Tà Mung có tổng cộng 7 điểm trường. Vì là xã đặc biệt khó khăn nên điều kiện vật chất của nhà trường vẫn đang từng bước được khắc phục. Trong đó, điểm trường Đán Tọ thuộc diện cấp bách cần được đầu tư, nhất là thời gian sắp tới mưa nhiều và cái nóng oi ả của mùa hè đang đến gần", cô Nguyễn Thị Yến chia sẻ. 

Theo cô Yến, mơ ước của các em học sinh và đồng thời là mong mỏi của nhà trường, trong thời gian sớm nhất sẽ được đầu tư xây mới một điểm trường tại Đán Tọ. 

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) Trịnh Ngọc Hải chia sẻ, hầu hết các điểm trường trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư, xây dựng mới. Tình trạng nhà tranh, vách đất đã không còn, tuy nhiên để bắt kịp các chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục, việc đầu tư hạ tầng, kĩ thuật, thiết bị dạy và học luôn được huyện quan tâm. 

Nói về điểm trường Đán Tọ, ông Hải cho biết, nơi đặt điểm trường có đến 96% bà con thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống hàng ngày của phụ huynh và học sinh vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

"Trong bối cảnh đó, điểm trường hiện nay theo thời gian đã xuống cấp, cần đầu tư để học sinh có không gian trải nghiệm trực quan hơn. Đặc biệt vào mùa hè, Đán Tọ rất nóng nực, học sinh cùng sinh hoạt trong không gian 30m2, bao quanh là tấm tôn rất bất tiện", Trưởng phòng GD-ĐT huyện Than Uyên cho biết. 

An Phương