TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) cho biết, kết quả PAPI tổng quan của các tỉnh thành cho thấy, đặc điểm vùng miền ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công rất ổn định qua nhiều năm.

Ở chỉ số này, các tỉnh thành phía Nam có xu hướng đạt điểm cao hơn các tỉnh phía Bắc. Cụ thể có 10/16 địa phương phía Nam nằm ở nhóm đạt điểm cao nhất. 

Bên cạnh đó, các tỉnh phía Nam cũng được người dân đánh giá cao hơn về đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức.

{keywords}
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES)

Còn các tỉnh thành phía Bắc có xu hướng đạt điểm trung bình cao đến cao nhất ở các chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân.

Đi vào cụ thể từng tỉnh thành, Bến Tre là tỉnh được người dân chấm điểm cao nhất về việc kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công và quyết tâm chống tham nhũng; còn Đắk Lắk đạt điểm thấp nhất ở cả 4 nội dung, Hải Phòng có điểm thấp nhất ở 3 nội dung trong chỉ số kiểm soát tham nhũng.

‘Lót tay’ để vào làm việc khu vực nhà nước chưa giảm

Trong 4 nội dung thành phần của chỉ số này, ông Giang cho biết, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công là nội dung có điểm tổng cao nhất với mức điểm dao động từ 5,52-7,61 trong thang điểm từ 1-10.

Hai nội dung: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương và công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công tăng điểm so với các năm trước.

Tuy nhiên điểm về nội dung công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công vẫn còn rất thấp chỉ đạt 1,11 điểm.

Tình trạng ‘lót tay’ để có việc làm trong khu vực nhà nước và vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ cũng được người dân nhận định chưa giảm.

“Qua đó có thể thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng. Đây là vấn đề nhức nhối. Bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó bởi đội ngũ công chức được vào làm việc bằng con đường lót tay, thân quen thay cho những người giỏi, có năng lực thực sự”, TS Đặng Hoàng Giang cảnh báo.

Kết quả PAPI 2018 cũng cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Qua đó, người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong lĩnh vực dịch vụ y tế tuyến quận huyện và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với năm 2017.

Mặc dù người dân nhận định tham nhũng đã giảm so với 3 năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau.

Gần 60% người dân được khảo sát cho rằng tham nhũng ở phường xã đã thuyên giảm trong 3 năm qua, nhưng chỉ 50% người dân cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xung hướng thuyên giảm.

Kết quả khảo sát PAPI năm qua cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu đối với người dân.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đúc kết 2 vấn đề các cấp chính quyền tập trung giải quyết để giảm thiểu tham nhũng, nhũng nhiễu cho người dân.

Thứ nhất là nhũng nhiễu trong cung cấp dịch vụ hành chính và lạm dụng công quỹ cho mục đích riêng.

Thứ 2, quan trọng hơn là tham nhũng trong tuyển dụng nhân lực vào bộ máy nhà nước, do còn tồn tại ‘vị thân’ và ‘lót tay’ để được vào làm công chức, viên chức từ cấp cơ sở.

PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của hơn 14.300 người dân lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước.

PAPI gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công và 2 chỉ số mới gồm quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Kết quả PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản đến người dân.

Thu Hằng

Rất nhiều trường hợp bố là giám đốc sở, con làm trưởng phòng

Rất nhiều trường hợp bố là giám đốc sở, con làm trưởng phòng

Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho rằng trong thực tế có rất nhiều trường hợp “Bố làm giám đốc sở, con làm trưởng phòng”.