Tan hoang vùng lũ

Sáng nay (28/9), lực lượng chức năng, chính quyền địa phương huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vẫn đang nỗ lực hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ càn quét 2 ngày qua.

Trước đó, từ tối 27/9, quốc lộ 48 đoạn qua địa bàn xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu) đã được thông tuyến, các phương tiện có thể di chuyển lên thị trấn Tân Lạc và huyện miền núi Quế Phong.

Trận mưa lớn vào đêm ngày 26/7 và rạng sáng ngày 27/9, cộng với việc các hồ thủy điện vận hành xả lũ khiến mực nước các sông suối lên cao, hàng chục bản làng ở thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Thắng.. (huyện Quỳ Châu) ngập sâu. 

Khe suối qua cầu Cô Ba, trên Quốc lộ 48 qua địa bàn xã Châu Bình (Quỳ Châu) bị nước lũ tàn phá. Ảnh: Việt Hòa

Theo thống kê sơ bộ, gần 1.100 ngôi nhà tại địa phương này bị ngập, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiệt hại...

Dọc Quốc lộ 48 qua địa bàn Quỳ Châu, nhiều điểm sạt lở được khắc phục tạm thời để lưu thông. Nhưng nguy cơ sạt lở, gây ách tắc vẫn đang hiện hữu.

Nước lũ đã tàn phá tan hoang những cánh đồng lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch gây thiệt hại nặng nề.

Ông Đặng Văn Thắng vẫn chưa bàng hoàng khi nước lũ lên quá nhanh. Ảnh: Việt Hòa

Ông Lang Văn Ánh (SN 1969, trú bản Tả Lạnh, xã Châu Hạnh) vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh khiến bà con trở tay không kịp. Toàn bản có hơn 100 hộ dân nhưng bị ngập một nửa bản, mọi người chỉ lo chạy lũ chứ không mang theo được đồ đạc gì hết. Hàng chục ha lúa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, lợn, gà... thì trôi hết cả rồi”. 

Tất tả dọn dẹp sau khi nước rút, chị Lưu Thị Huyền (SN 1989, trú khối 3, thị trấn Tân Lạc) cho hay, khoảng hơn 4h sáng ngày (27/9), tôi dậy thì đã phát hiện nước mấp mé bậc thềm nhà.

Đồ dùng lấm lem bùn đất. Ảnh: Việt Hòa
Khối 3, thị trấn Tân Lạc bị ngập sâu, khung cảnh ngổn ngang sau khi lũ rút. Ảnh: Việt Hòa

“Mọi người cùng nhau hô hoán di chuyển đồ đạc lên cao. Nước dâng và tràn vào nhà rất nhanh, cả nhà cùng kéo nhau lên khu vực tầng 2 để trú ngụ. Chưa khi nào mà tôi chứng kiến trận lũ lớn như thế này”, chị Huyền nói.

Cụ bà thoát chết nhờ... chiếc nệm nước

Căn nhà của gia đình ông Đặng Văn Thắng (SN 1967, trú khối 3, thị trấn Tân Lạc) nằm ngay khe suối tan hoang sau trận lũ lụt.

Vào rạng sáng ngày 27/9, mực nước từ sông Hiếu dâng lên cao và đổ dồn từ các khe suối khiến ngôi nhà bị ngập nặng từ 4 - 6 mét.

Lúc này, cụ Nguyễn Thị Thanh (SN 1938, mẹ ông Thắng) bị ốm dài ngày đang nằm một chỗ ở khu vực tầng hầm. Khi phát hiện sự việc, thì mực nước đã ngập gần hết hầm. Quá hốt hoảng, gia đình ông Thắng đã hô hoán người dân xung quanh giúp đỡ, lặn xuống tìm kiếm cụ bà.

Người dân nép dọn nhà cửa, đồ đạc hư hỏng ngổn ngang. Ảnh: Việt Hòa
Đồ đạc hư hỏng, bùn đất dày đặc. Ảnh: Việt Hòa

“Mọi người hốt hoảng kêu cứu, ai cũng nghĩ bà đã bị nước cuốn trôi. Khi phát hiện bà còn nằm trên chiếc đệm hơi, quần áo đã ướt hết, người thì giữ bà khỏi bị chìm, người thì cắt, dỡ mái ngói. Với sự hỗ trợ của người dân, lực lượng công an, sau gần một giờ đã đưa bà lên an toàn", ông Thắng kể lại.

Nhắc lại câu chuyện cụ Thanh, người dân ở khối 3, thị trấn Tân Lạc ai cũng vui mừng cho gia đình.

Vị trí mái ngói mọi người phá dỡ để để cứu cụ Thanh thoát ra ngoài khi lũ dâng. Ảnh: Việt Hoà

Sáng nay (28/9), mọi người ai cũng tất bật cùng nhau hỗ trợ dọn dẹp lại. “Nước lũ rút rồi, chúng tôi mong muốn sớm được cấp nước, cấp điện trở lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sớm ổn định lại cuộc sống”, một người dân chia sẻ.

Nhà cửa tan hoang sau cơn lũ lịch sử. Ảnh: VH
Nhiều vật dụng bị đảo lộn trong nhà. Ảnh: VH

Trước những thiệt hại và diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện Quỳ Châu đã kịp thời hỗ trợ, di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước.

Chính quyền cũng nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người. Tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với người già, trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.