Nga đã lên tiếng cảnh báo và thể hiện sự tức giận trước việc Tổng thống
Ukraina Viktor Yanukovych bị người biểu tình ở Kiev lật đổ.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Giáo sư Andrei Zagorski, một nhà phân tích chính trị tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế Moscow, phân tích một số lựa chọn chính sách mà Kremlin có thể theo đuổi trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng.
Biểu tình thân Nga ở Sevastopol phản đối những thay đổi tại Kiev.
Nga đang tỏ rõ nghi ngờ về tính hợp pháp của các lãnh đạo lâm thời Ukraina. Nước này cũng đã dừng viện trợ tài chính và triệu hồi đại sứ của mình tại Kiev. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Ukraina là không thể đảo ngược - chính trường nước này đang chứng kiến liên tiếp các diễn biến từng ngày. Và phần lớn bất lợi cho Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã tìm cách lôi kéo Ukraina vào liên minh hải quan
do Nga dẫn đầu, và trong nhiều thế kỷ qua, hai nước láng giềng này thường có
chung một số phận.
Nhưng phục hồi nguyên trạng trước đây là điều không thể thực hiện được đối với
Moscow - vì việc đảo ngược những thay đổi chóng mặt vừa qua là bất khả thi, cũng
tương tự như việc phục hồi vị trí quyền lực của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych.
Sẽ có rất nhiều hạn chế nếu dựa vào sự phản đối Kiev tại nhiều khu vực nói tiếng Nga ở miền đông Ukraina. Và đối với Moscow, lựa chọn lá bài chia rẽ đất nước này dường như vừa bất khả thi vừa không thích thú gì, bất kể những diễn biến mới đây ở Sevastopol, thành phố cảng chiến lược ở Crimea, nơi Nga có một căn cứ hải quân.
Những người biểu tình thân Nga ở Sevastopol tuyên bố thành phố của họ phải được bảo vệ khỏi "những kẻ cực đoan" từ Kiev và có nhiều thông tin rằng Nga có thể sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người ở Crimea lấy hộ chiếu Nga.
Crimea trở thành một phần Ukraina hồi năm 1954, dưới thời Liên Xô.
Trọng tâm trước hết của Moscow có thể là ủng hộ sự xuất hiện của các lãnh đạo
chính trị mới được lòng dân chúng cả nước, đặc biệt là ở miền đông Ukraina,
những người có thể thay thế Đảng Các khu vực vốn đã suy thoái của Yanukovych.
Sau đó, họ có thể thách thức các đảng dẫn đầu làn sóng biểu tình chống
Yanukovych trong 3 tháng qua.
Với Moscow, giá trị của việc áp dụng một đòn bẩy truyền thống lên Ukraina trong bối cảnh nước này yếu kém như vậy cũng rất hạn chế.
Tăng giá khí đốt hoặc giảm nguồn cung mặt hàng này, nỗ lực làm trầm trọng thêm tình trạng không trả được nợ của Kiev, hoặc hạn chế nhập khẩu từ Ukraina chắc chắn có thể khiến cho mọi thứ tồi tệ thêm đối với một chính phủ non trẻ ở nước này.
Cùng lúc đó, nó lại có thể góp phần củng cố định hướng EU của Ukraina và làm tăng tâm lý bài Nga trong chính trường Ukraina. Một sự o ép về kinh tế sẽ đặc biệt làm tổn thương các khu vực miền đông Ukraina, nơi mà xưa nay dân chúng vẫn có thiện cảm với Moscow vì các mối quan hệ văn hóa và kinh tế gần gũi của họ với Nga.
Một sự gián đoạn trong việc cung cấp khí đốt cho Ukraina cũng đẩy Moscow vào một cuộc xung đột với EU.
Ukraina đã phục hồi Hiến pháp năm 2004 của nước này, trao quyền cho Quốc hội và chính phủ thay vì cho Tổng thống. Vì vậy, một giải pháp cho cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp chính trị ở Ukraina sẽ phụ thuộc không quá nhiều vào cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 5 tới, mà vào cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa hè.
Các cuộc bầu cử Quốc hội có thể mang lại cho Nga và EU thêm các động cơ hợp tác. Cả Moscow hay Brussels đều không muốn một Ukraina sụp đổ. Cả hai đều quan tâm đến việc thành lập một chính phủ hợp pháp, và với lý do đó, họ quan tâm đến các cuộc bầu cử công bằng.
Brussels sẽ muốn chứng kiến một chính phủ nhận được sự ủng hộ tối đa của
người dân Ukraina, trong khi Moscow muốn một sự tái cân bằng chính giới ở Kiev.
Và với cả EU lẫn Nga, điều tốt nhất sẽ là hoãn bất kỳ quyết định ký kết
thỏa thuận liên kết EU-Ukraina nào.
Chính việc Yanukovych từ chối ký hiệp ước thương mại với EU đã làm dấy lên
làn sóng biểu tình phản đối hồi tháng 11. Nhưng nếu Ukraina ký văn bản này bây
giờ thì nó sẽ được hiểu ở Moscow như một thất bại chiến lược. Thỏa thuận ấy có
thể được ký một khi tình hình chính trị và tài chính ở Ukraina ổn định.
Thanh Hảo (Theo BBC)