Bình luận về Luật biển Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, trong một bài nghiên cứu đã nhấn mạnh: Luật biển Việt Nam đã luật hóa hai điểm mới trong thực tiễn xử lý các vi phạm và giải quyết các tranh chấp biển có yếu tố nước ngoài. Theo đó:
Đối với các vi phạm luật biển Việt Nam của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài, căn cứ vào quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển ra quyết định xử lý vi phạm tại chỗ hoặc dẫn giải người, tàu thuyền vi phạm về cảng, bến hay nơi trú đậu gần nhất được liệt kê trong danh mục cảng, bến hay nơi trú đậu đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công bố theo quy định của pháp luật, hoặc yêu cầu cơ quan hữu quan của quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia nơi tàu đó đến để xử lý vi phạm.
Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp luật.
Khi tiến hành bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc tạm giữ tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý.
Các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đối với các tranh chấp vùng biển, trong khi khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Luật biển Việt Nam nêu rõ nguyên tắc: "giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với CƯLB 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”. Các biện pháp hòa bình ở đây được hiểu là đàm phán, trung gian, hòa giải, sử dụng các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế hay bất kỳ biện pháp hòa bình nào khác được quy định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và CƯLB 1982.
Thực tiễn của Việt Nam giải quyết phân định biển trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, trong Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997 và thỏa thuận khai thác chung với Malaysia năm 1995, phân định thềm lục địa với Indonexia năm 2003 đã chứng minh thiện chí và quyết tâm của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, CƯLB 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông 2002.
Luật biển Việt Nam với những nội dung tổng hợp, phong phú xứng đáng là một bộ luật khung về các vấn đề biển của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý toàn diện và hiệu quả cho Việt Nam trong quản lý sử dụng vùng biển, hội nhập quốc tế về biển, giải quyết các tranh chấp vùng biển trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt CƯLB 1982, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi biển chính đáng theo CƯLB 1982, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Với việc thông qua Luật biển 2012 phù hợp với CƯLB năm 1982, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Quyết Thắng, Huyền Sâm, Bình Minh