- Thảo luận lần cuối luật Đầu tư công hôm nay (24/5) trước khi thông qua cuối kỳ họp này, một số ĐB vẫn muốn luật làm được nhiều hơn.

Tiếp thu ý kiến của ĐB tại kỳ họp trước, dự luật đã được bổ sung 21 điều, trong đó có những điều thể hiện rõ hơn tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả.

Dự thảo nêu rõ: Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vốn đầu tư công quy định tại luật gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch: Không cải cách về ngân sách và chính quyền địa phương thì không bao giờ giải quyết được cái gốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với khái niệm “dự án đầu tư công”, điều các ĐB băn khoăn chính là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Dự thảo, theo như Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu báo cáo, xác định bản chất của dự án đầu tư công theo việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thấy cách phân loại này mới dựa trên dựa vào quy mô, tính chất của vốn chứ chưa phân biệt nguồn vốn.

“Phải rõ ràng về nguồn của vốn để xác định thẩm quyền của trung ương và địa phương, để địa phương có sự chủ động trong cân đối vốn, cũng để rõ trách nhiệm của người ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư”, ông Nghĩa nói.

Theo ĐB Đà Nẵng, chính vì chưa làm rõ được điều này mà khó cho việc xử lý trách nhiệm cán bộ sai phạm và bồi thường khi các dự án đầu tư bố trí sai vốn hoặc không hiệu quả.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đồng tình đây là một khoảng trống trong dự thảo luật: Nếu đồng tiền theo cơ chế tự chủ của ngân sách địa phương thì khác, nếu nó do QH phân bổ cho địa phương mà không có cơ chế tự chủ thì lại khác, không thể quy được trách nhiệm.

Ông Lịch phân tích: Luật Đầu tư công là một bộ phận trong toàn bộ thể chế tài chính công, mà chi phối thể chế tài chính công nhiều nhất hiện nay là luật ngân sách nhà nước và luật chính quyền địa phương chúng ta đang xây dựng, liên quan đến quyền tự chủ ngân sách của địa phương, trong đó có các HĐND.

“Với hai luật này, Hiến pháp đang mở ra hướng đổi mới triệt để về thể trị tài chính công. Vì thế luật Đầu tư công cần quy định mở thế nào để không đi ngược lại toàn bộ tiến trình cải cách tài chính công”, ĐB TP.HCM nói. “Nếu không cải cách hai lĩnh vực đó theo Hiến pháp mới thì giải quyết đầu tư công theo luật này là giải quyết cái ngọn chứ chưa bao giờ giải quyết cái gốc”.

Ông Trần Du Lịch khẳng định không cản trở việc thông qua luật Đầu tư công, ngược lại rất ủng hộ, “nhưng nếu không dự liệu thì sau này thảo luận các luật lại căn cứ trên luật này, nghĩa là chấm dứt toàn bộ tiến trình cải cách hành chính công và tài chính công”.

Chia sẻ với các ĐB, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu ban soạn thảo trước khi đem ra để QH biểu quyết, phải thống nhất luật này với các luật, cũng như có độ mở cần thiết để phù hợp với những luật QH sẽ xem xét, thông qua thời gian tới, như luật ngân sách, chính quyền địa phương, đấu thầu, xây dựng, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Luật Đầu tư công dự kiến được biểu quyết thông qua ngày 18/6 tới.

Chung Hoàng