Chưa kịp mừng vì Hiến pháp 2013 "không đóng cửa" với hôn nhân cùng giới, cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) lại lo lắng khi quyền của họ có thể bị "lờ đi" trong một đạo luật thiết thân là luật Hôn nhân và Gia đình.

Luật 'teo' lại

Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi trình ra Quốc hội kỳ trước (10/2013), bên cạnh việc bỏ điều "cấm kết hôn giữa những người đồng tính" và chuyển thành "không thừa nhận" hôn nhân này, còn có quy định về giải quyết hệ quả pháp lý khi hai người cùng giới sống chung với nhau về tài sản, con cái (Điều 16).

Nhưng đến bản dự thảo mới nhất sẽ trình để QH thảo luận vào ngày mai (27/5), Điều 16 này hoàn toàn biến mất. Lý do UB Thường vụ QH đưa ra là "để phù hợp với quy định không thừa nhận hôn nhân cùng giới".

Ông Lương Thế Huy, cán bộ về quyền LGBT thuộc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết bản dự thảo đầu tiên do bộ Tư pháp soạn khiến cộng đồng này rất mừng vì bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử và quyền con người, nhưng về sau luật ngày càng "teo" lại.

Việc chỉ còn vỏn vẹn một câu ""Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" trong khoản 2 điều 8, theo ông Huy, cho thấy "các nhà làm luật công nhận đây là thực tế đang diễn ra, đưa vào luật nhưng lại không giải quyết nó trong luật".

Cũng theo giải trình của UB Thường vụ QH, để giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh từ việc sống chung, các cặp đôi đồng tính có thể dùng pháp luật dân sự để đảm bảo quyền lợi.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng pháp luật dân sự Bộ Tư pháp, cơ quan chắp bút dự thảo đầu tiên, bình luận: "Đối với luật dân sự, nguyên tắc nền tảng là bình đẳng, tạo ra bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Sự bình đẳng này áp dụng vào quan hệ sống chung giữa hai người cùng giới là bất cập. Một cặp đôi sống chung có thể hy sinh rất nhiều cho nhau để tạo dựng cuộc sống, trong đó có phân công lao động làm nội trợ, chăm sóc con cái hay đảm nhận thu nhập chính cho cuộc sống chung. Sự bình đẳng trong quan hệ gia đình này không phải là 'làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu' mà là có quyền ngang nhau, chỉ giải quyết bằng pháp luật dân sự thì rất khó đảm bảo tính nhân văn".

Còn với cộng đồng LGBT, bỏ Điều 16 thì "cấm" hay "không thừa nhận" cũng không khác gì nhau.

Anh Phạm Khánh Bình, một người đồng tính tại Hà Nội, chia sẻ: "'Cấm' nghĩa là 'không được làm', còn 'không thừa nhận' giống như 'không làm được'. Người đồng tính đã chuyển từ 'không có quyền' sang 'không thực hiện được quyền'".

Một cặp đồng tính nữ đang sống chung tại TP.HCM thì thấy "bỏ Điều 16 đi thì dự thảo không còn quy định gì về người đồng tính nữa, trách nhiệm được đẩy về phía công dân, chúng tôi phải tự bảo vệ mình, tự tôn trọng quyền của mình trong khi không ai bảo vệ, không ai thừa nhận. Chỉ giải quyết bằng pháp luật dân sự thì khác gì hai người xa lạ?"

{keywords}

đại sứ Canada David Davine (thứ 2 từ trái sang), Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear (thứ 4 từ trái sáng), Giám đốc UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain (thứ 2 từ phải sang) và Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander (ngoài cùng bên Phải)  tham gia chiến dịch Tôi Đồng Ý ủng hộ cộng đồng LGBT (nguồn iSEE)

Nhận thức xã hội đi trước luật

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, nguyên nhân có thể do các ĐBQH chưa có đủ thông tin: "Có những đại biểu bảo rằng 'tôi đã gặp người đồng tính bao giờ đâu', trên thực tế họ đã gặp rồi nhưng vì bị định kiến nên người đồng tính chưa công khai cho họ biết. Cũng có ý kiến từ địa phương là không thấy cặp đôi cùng giới nào đến yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của việc sống chung, cũng một phần do người đồng tính đang nghĩ không được thừa nhận nên đang tự giải quyết vấn đề của mình".

Theo ông Lương Thế Huy, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng có thể ước đoán có hàng chục nghìn cặp đôi cùng giới đang sống chung. "Nhưng kể cả có ít thì luật, theo nguyên tắc là cho tất cả mọi người, cũng phải điều chỉnh", ông Huy nói.

Bà Phạm Kim Ngọc thuộc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường, cũng nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử của luật chính là không loại từ bất cứ nhóm xã hội nào, dù nhỏ đến đâu.

Nguyên tắc này, được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, cũng là điều Liên Hợp Quốc khuyến nghị việc sửa luật Hôn nhân và Gia đình cần đảm bảo. Theo đó, LHQ khuyến nghị bỏ việc "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính", đồng thời công nhận và bảo hộ pháp lý với các cặp cùng giới sống chung như với các cặp khác giới.

Còn nếu nguyên nhân là do lo ngại tác động xã hội, thì như chuyên gia luật Trần Ngọc Bích chỉ ra: Hiến pháp 2013 đã quy định rõ "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

"Không có bằng chứng nào cho thấy việc chung sống của người đồng giới có ảnh hưởng gì đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng", bà Bích nói.

Và nhận thức của xã hội cũng đã đi trước luật này: Trong một nghiên cứu của iSEE tháng 4/2014, trong số 5.300 người dân được khảo sát tại 8 tỉnh thành, có 41,2% ủng hộ quyền sống chung của người cùng giới, 56% cho rằng các cặp đôi cùng giới nên có quyền nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Thị Thu Nam, chuyên gia về xã hội và y tế, hầu hết ý kiến phản đối viện dẫn Điều 5 trong dự thảo luật về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình: Truyền thống văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình được kế thừa, phát huy.

Ông Hoàng Cầm, Viện nhiên cứu Văn hóa, bình luận: Những truyền thống được cho là tốt đẹp hay những phong tục tập quán được cho là lạc hậu là phụ thuộc vào quan điểm và thời kỳ. Ví dụ, việc làm mẹ đơn thân một thời bị xã hội lên án giờ đang dần được chấp nhận. Đưa truyền thống và đạo đức vào luật là một việc mang tính chủ quan, áp đặt.

Dù lý do là gì, theo ông Lê Quang Bình, "việc bỏ Điều 16 sẽ gây hoang mang cho người đồng tính, gây hụt hẫng cho gia đình họ, vốn đang rất mong chờ pháp luật có sự thừa nhận pháp lý đối với quan hệ chung sống đồng giới. Hơn nữa, Việt Nam đang được thế giới kỳ vọng là một nước đi đầu trong việc bảo vệ quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Nếu bỏ điều 16 ra, e rằng Việt Nam sẽ mất cơ hội được thế giới nhắc đến như nước đi tiên phong ở châu Á về việc bảo vệ quyền LGBT".

 


1, Hôn nhân đồng giới có làm suy giảm dân số?

Số lượng người đồng tính và tỉ lệ kết hôn của họ chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng dân số và số lượng kết hôn khác giới, do đó không thể gây ra những thay đổi về nhân khẩu học nói chung. Việc này chỉ có thể trở thành vấn đề nếu toàn bộ dân số trong xã hội là người đồng tính và lựa chọn kết hôn không sinh đẻ.

2, Hôn nhân đồng giới có xói mòn giá trị của hôn nhân khác giới truyền thống?

Ngược lại, hôn nhân đồng giới có tác động tích cực đến hôn nhân khác giới. Hôn nhân đồng giới có sự bình đẳng tương đối cao, ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới, do đó có thể coi là một yếu tố thúc đẩy bình đẳng giới trong hôn nhân truyền thống.

Đồng thời, việc không chấp nhận hôn nhân đồng giới gây tác hại xấu đến hôn nhân truyền thống, khi người đồng tính, do áp lực của xã hội và gia đình hoặc nhu cầu có con của bản thân, phải kết hôn khác giới để được coi là "bình thường". Hậu quả là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bản thân người đồng tính, bạn đời của họ và con cái, đều là nạn nhân.

Việc không thừa nhận cũng không làm giảm sự kỳ thị xã hội, là nguyên nhân dẫn đến các tổn hại về tâm lý và thể chất cho người đồng tính.

3, Gia đình đồng giới có đảm bảo chức năng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em?

Sự phát triển và hạnh phúc của trẻ phụ thuộc vào mối quan hệ của giữa trẻ với người lớn, sự cởi mở, hòa hợp giữa người lớn trong gia đình với nhau và với trẻ, chứ không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình bố mẹ khác giới hay cùng giới, hay bố mẹ đơn thân.

Một số nghiên cứu chỉ ra con của gia đình đồng tính nữ có các khả năng vượt trội, cũng như người cha đồng tính nam hơn các ông bố dị tính ở chỗ họ có khả năng chăm sóc trẻ như một người mẹ.

Nguồn: iSEE

Đại An