- Trước phiên xử sát thủ Lê Văn Luyện, PV VietNamNet đã có trao đổi với các luật sư bảo vệ cho cả hai phía bị hại và bị cáo.

TIN LIÊN QUAN:

Luật sư Phạm Xuân Anh: “Tôi chịu nhiều áp lực khi làm luật sư cho Luyện”

Luật sư Phạm Xuân Anh cho hay, khi được chỉ định bào chữa cho bị cáo Lê Văn Luyện, bản thân ông phải chịu nhiều sức ép từ dư luận.

Buổi chiều trước ngày diễn ra phiên xử, Luật sư Xuân Anh đã nhận được hơn 20 cuộc điện thoại của bạn bè hỏi quan điểm của ông trong phiên tòa. Ông chia sẻ, gần 30 năm công tác trong ngành tư pháp, ông chưa nhận một vụ án nào có tính chất như vụ án Luyện.

Luật sư Phạm Xuân Anh

Suốt quá trình tiếp xúc với vụ án, ông đã 3 lần gặp Luyện trong trại tạm giam, nhưng trong cả 3 lần tiếp xúc, thái độ của Luyện rất lì lợm, tỏ ra bất cần, khi được hỏi có hối hận với việc làm của mình hay không, “sát thủ” chỉ cúi đầu lặng thinh không nói gì.

“Ngay cả khi hỏi về những người thân trong gia đình bị vướng vòng lao lý vì anh ta, Luyện vẫn im lặng không trả lời, nét mặt không biến sắc. Khó tìm thấy sự hối cải ở bị cáo này…” – Luật sư Xuân Anh chia sẻ.

Trước phiên xử Lê Văn Luyện, vị luật sư bào chữa cho “sát thủ” cho rằng, tội trạng của bị cáo đã rõ ràng, khi bào chữa cho Luyện, chỉ có thể căn cứ vào điều Luật, tính nhân đạo của pháp luật.

Theo ông Phạm Xuân Anh, bị cáo nhận thức hạn chế, phạm tội ở độ tuổi vị thành niên, cái tuổi dễ bị kích động. Dư luận bức xúc đòi sửa luật, tử hình bị cáo để đảm bảo tính giáo dục, răn đe. Thế nhưng sửa đổi luật đòi hỏi cả một quá trình.

Về nhân thân, bị cáo mới học hết lớp 9 đã bỏ học đi lang thang, sống buông thả, gia đình hết sức vô trách nhiệm với con cái. Ở tuổi vị thành niên, khi Luyện kiếm được tiền, bị cáo chỉ vùi đầu vào chat, game… Không được bố mẹ quản lý giáo dục, cộng với chơi bời lêu lổng, học thấp, dẫn đến hạn chế về nhận thức đã dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Theo luật sư Xuân Anh, đây có thể coi là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Luật sư Trần Văn An: “Cô chú Luyện đều đáng thương khi vì cháu mà vướng vòng lao lý”

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng bị cáo Lê Thị Định và Lê Thành Nghi (cô và chú của Luyện), theo luật sư An: Dưới góc độ pháp luật, hành vi và tội danh của các bị cáo đã rõ, nên chỉ phân tích đến các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, luật sư Trần Văn An cho rằng, cả hai bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cả hai đều nhận thức pháp luật hạn chế do trình độ nhận thức kém, bản thân vợ chồng bị cáo đều là hộ nghèo, sống ở nơi mà trình độ dân trí thấp.

Đối với bị cáo Nghi, sau khi được cơ quan công an vận động, giáo dục đã sang Trung Quốc để đưa Luyện về giao nộp cho cơ quan điều tra. Việc đi sang Trung Quốc đưa Luyện về, bị cáo phải đối mặt với những nguy hiểm có thể xảy ra như: Nếu Luyện biết chú mình sang đó là để đưa mình về giao nộp cho cơ quan công an, với bản chất côn đồ, không loại trừ khả năng có thể Luyện sẽ giết cả chú. Hoặc giả nếu bị cáo không thành khẩn, khi sang đến đất Trung Quốc rồi, bị cáo hoàn toàn có cơ hội bỏ trốn.

Vậy rõ ràng cũng phải xét đến công lao của bị cáo trong việc giúp cơ quan điều tra bắt giữ được Luyện.

Đối với bị cáo Định, dù không có công giúp cơ quan công an, nhưng thông qua các bản hỏi cung, bị cáo Định có các tình huống mà có thể coi là tình tiết giảm nhẹ.

Khi Luyện còn ở nhà cô, bị cáo Định đã nhiều lần hỏi và khuyên Luyện ra đầu thú. Khi được cô khuyên nhủ, Luyện còn dọa cô sẽ đi tự tử. Như vậy, trong ý thức của Định, bị cáo đã muốn khuyên nhủ Luyện ra đầu thú.

Ý thức của bị cáo bị giằng xé giữa việc đưa cháu ra đầu thú, nhưng rồi cuối cùng Định đã chọn con đường thứ hai.

Nếu xét về mặt pháp luật thì vợ chồng bị cáo Nghi- Định là những người phạm tội. Thế nhưng xét về góc độ tình cảm, hai vợ chồng bị cáo đều rất đáng thương.

Thêm nữa, khoảng thời gian mà Luyện ở nhà cô chú cũng không phải là dài, khi sự việc xảy ra một cách bất ngờ như vậy, họ vướng vào tâm lý là địa vị người cô, người chú, rất khó để tố giác đứa cháu phạm tội, nhất là trong suy nghĩ của họ, với tội của cháu mình như vậy, nếu tố giác Luyện, rất có thể nó sẽ phải nhận án tử hình. Trong hoàn cảnh như vậy, họ đã chọn phương án đưa cháu sang Trung Quốc.

Luật sư phía bị hại: “Truy tố bị can Luyện và một số bị can khác trong vụ án này chưa thật thoả đáng”

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức- Đoàn Luật sư TP Hà Nội)- người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại nêu quan điểm cho rằng bản cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố bị can Luyện và một số bị can khác trong vụ án này chưa thật thoả đáng.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh

Ví dụ như bị can Trương Thanh Hồng (anh học), Lê Văn Miên (bố Luyện), Lê Thị Định (cô ruột Luyện) đều bị truy tố về tội: “Che dấu tội phạm”. VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố các bị can này phạm tội Che dấu tội phạm là đúng người, đúng tội.

Căn cứ tài liệu hồ sơ vụ án, bị cáo Miên đã biết con trai mình giết người, cướp vàng tại tiệm vàng Ngọc Bích. Song khi nhận được điện thoại của Luyện nhờ cất giấu số vàng đã cướp, bị can Miên đã cất giấu vàng cho con. Do vậy, bị cáo có dấu hiệu tiếp tay và che dấu cho hành vi cướp tài sản của Luyện.

Còn bị can Hồng là người được Luyện đưa cho 2 dây chuyền vàng, nên có đủ dấu hiệu cấu thành của tội: Tiêu thụ tài sản gian do người khác phạm tội mà có.

Đối với bị can Lê Thành Nghi (chú rể của Luyện), luật sư đồng tình với quan điểm của VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố về tội: Che dấu tội phạm. Song bị can này còn đưa Luyện vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Vì sao VKSND tỉnh Bắc Giang không truy tố bị can này thêm một tội nữa là: Tổ chức đưa người vượt biên ra nước ngoài trái phép, nhằm tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Theo lời luật sư Huỳnh, quá trình điều tra vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang liên tục liên hệ với gia đình bị hại, yêu cầu mời luật sư tỉnh Bắc Giang trợ giúp pháp lý miễn phí.

Tuy nhiên, gia đình bị hại đã tự chối yêu cầu này. Bởi vì họ không tin tưởng luật sư Bắc Giang có thể làm hết mình, hết trách nhiệm trước sức ép của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh nhà.

T. Nhung