Dù bây giờ tóc đã phai sương, chúng tôi vẫn luôn nhớ về lần đến nhà tặng hoa chúc mừng thầy chủ nhiệm 40 năm trước - thầy Siêu! 

Ngày ấy, dẫu đã học đến lớp 10, chúng tôi vẫn cứ là một lũ trẻ con. Nhút nhát, thô vụng và thật thà. Được thay mặt lớp đến chúc mừng thầy chủ nhiệm trong ngày Nhà giáo Việt Nam, vui lắm, nhưng lại sợ, mặc dù thầy tôi được xem là người "hiền nhất quả đất". 

Mà nói cho đúng hơn là chúng tôi mắc cỡ. Con trai ra đường, ai lại cầm hoa!

Nghĩa Hành quê tôi những năm ấy là một huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Cửa hàng sách lèo tèo, làm gì có quầy bán hàng lưu niệm. Hoa tươi lại càng không! 

Vì vậy, bó hoa tặng thầy chủ nhiệm chỉ là mấy bông trang (người miền Bắc gọi là hoa mẫu đơn), mấy cành bông hồng dại, thêm mấy bông dâm bụt đỏ nữa. Tất cả đều hái trong vườn nhà. 

Nhà thầy nép mình trong mảnh vườn nho nhỏ, đủ trồng vài khóm hoa trên sân, ít luống rau xanh phụ đồng lương giáo viên ít ỏi. Không có con nên nhà cửa lúc nào cũng vắng vẻ. Có học trò đến thăm, thầy Siêu vui lắm. Thầy không bắt tay mà ôm chúng tôi, dù mới gặp hôm qua trên lớp. 

Chân dung thầy Siêu do học trò cũ Vân Thiêng vẽ theo ký ức. Chất liệu bút chì trên giấy A4

Mỗi lứa học trò đi qua, tóc thầy lại thêm nhiều sợi bạc. Chúng tôi ra trường về quê dạy học, thầy về nghỉ ngơi, rồi qua đời sau mấy tháng nhận sổ hưu. 

Không ai bảo thầy Siêu của chúng tôi là một giáo viên giỏi. Môn Văn lớp 10 của thầy cũng không hấp dẫn, trữ tình và đầy tinh thần lạc quan cách mạng như của các thầy cô khác, mà chỉ dung dị, dễ nhớ qua cách phân tích, trình bày ngắn gọn, dễ hiểu như chính cuộc sống giản đơn chân chất của thầy.  

Cũng chưa phải thuộc nhóm những thầy cô có ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn trường của học sinh, nhưng ấn tượng thầy để lại cho nhiều lớp học trò chúng tôi là đức tính hồn hậu, tình thương yêu học trò theo cách riêng. Đi cắm trại ngày thành lập Đoàn 26/3 ở Phước Hậu, sợ học trò vất vả, thầy đi chợ giúp. Thế là mấy bạn gái được một phen “rửa mặn” để chế biến món “cá chuồn muối thần thánh” của thầy làm thức ăn cho lớp. Thầy quản bọn tôi như ông bố quản con đi dã ngoại. 11 giờ đêm, nghe tiếng đám con trai lớp trên chao liệng, ông đuổi như đuổi tà, sợ bọn con trai lớp trên xuống làm hư hỏng học trò của mình. 

Thầy Siêu của tôi là vậy. Ông giáo già lúc nào cũng thương học trò như con. Có thể những tiết học Văn ngắn ngủi ở lớp 10 chưa đủ thôi thúc chúng tôi theo thầy nối nghiệp văn chương, nhưng trái tim nhân từ, tình yêu thương học trò, lối sống thuần hậu, giản đơn như ca dao của thầy đã thành một phần hành trang giúp chúng tôi biết sống tốt hơn. Đặc biệt là tấm gương vượt lên hoàn cảnh của thầy, từ một cậu bé dân tộc thiểu số (H’re) ở huyện Minh Long đã nỗ lực trở thành thầy giáo dạy Văn cấp 3.

Vì thế, dù lớn lên làm nghề gì, giàu nghèo ra sao, bao năm qua, lũ học trò  lớp 10B niên khóa 1982-1983 chúng tôi vẫn vậy, có dịp là ra mộ thắp hương thăm thầy, rồi tụ tập hàn huyên. Nay nhà này, mai nhà khác. Một đứa đăng cai, cả hội góp rượu làm vui. 

Không con cái, người H’re lại có tục bỏ mả, không thờ cúng nên việc đưa mộ thầy về quê là không dễ, đám học trò lớp 10B chúng tôi góp tiền, xây mộ cho thầy. Tuy không to lớn, nhưng cũng đủ để mỗi dịp 20/11 hay lễ tết đầu năm, học trò và người quen có chỗ đặt hoa, thắp hương thăm viếng. Ba chữ “Vọng hương tâm” khắc trên mộ luôn thay lời mong ngóng của ông giáo già về chốn quê xa. “Sống không có con, nhưng khi qua đời, anh Siêu lại có cả một bầy con” - ông Hồ Lai, Phó chủ tịch huyện Minh Long đã nói như vậy trong ngày mộ thầy hoàn thiện.    

Dẫu cuộc sống thay đổi thế nào, lớp học trò của một thời khốn khó chúng tôi vẫn luôn nhớ về thầy Đinh Trọng Siêu của mình bằng tất cả sự trong trẻo, vô tư. Bởi đó là người thầy chỉ biết lấy niềm vui, sự thành đạt của học trò làm lý tưởng nghề nghiệp, làm lẽ sống của mình mà không một chút tính toán, so đo.  

Vân Thiêng